GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) và GS. Byung-Wook Lee, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc (KEI) phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo.
Hoạt động này là một trong những sáng kiến tiên phong của cộng đồng các nhà khoa học Hàn Quốc và Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu và nâng cao năng lực hoạch định và thực thi chính sách cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Đồng thời, đây cũng là hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác sâu sắc hơn nữa giữa Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh toàn cầu với Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về tăng trưởng xanh.
Trong ba năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự tác động mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến tất cả các nước, khiến rất nhiều nước phải xem xét lại mô hình phát triển và có những điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững hơn. Vì vậy, xu hướng tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững và gắn với bảo vệ môi trường đã trở thành xu hướng được nhiều nước theo đuổi.
Tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng nhằm không những giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững. Tăng trưởng xanh là một bộ phận của phát triển bền vững, là phương thức thực hiện phát triển bền vững.
Hàn Quốc là một quốc gia điển hình của khu vực Châu Á đã thành công trong mô hình công nghiệp hóa của riêng mình, đưa đất nước từ kém phát triển trở thành nước phát triển cao trên thế giới chỉ trong vài thập kỷ. Theo
GS. Cae - Won Kim, Đại học quốc gia Seoul, hiện nay, Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu về phát triển kinh tế xanh trong khu vực. Tăng trưởng xanh đã trở thành mục tiêu quốc gia của Hàn Quốc từ năm 2008. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã đưa ra một loạt những sáng kiến toàn diện giúp nước này nhanh chóng bước vào một xã hội ít carbon. Không chỉ từ phía Chính phủ mà còn hướng tới làm thay đổi cả hành vi, cách suy nghĩ của người dân Hàn Quốc tạo ra một nền văn minh mới về kinh tế xanh. Những kinh nghiệm phát triển nói chung và tăng trưởng xanh của Hàn Quốc nói riêng sẽ rất bổ ích cho Việt Nam trong việc lựa chọn chính sách phát triển theo định hướng tăng trưởng xanh. Giáo sư
cũng cho rằng, để trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực này, Việt Nam cần
tổ chức chương trình đào tạo về xây dựng năng lực tăng trưởng xanh cho
các nhà quản lý, cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của các bộ, ngành, viện
nghiên cứu, trường đại học góp phần nhân rộng mô hình này ra toàn khu
vực Châu Á.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, cho biết ở Việt Nam, quá trình đổi mới gắn với quá trình mở cửa nền kinh tế và hội nhập với cộng đồng quốc tế. Sự mở cửa nền kinh tế giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được mới chỉ dừng lại về mặt số lượng, còn chất lượng vẫn hạn chế. Năng suất của nền kinh tế thấp do ít có sự đóng góp của yếu tố công nghệ và mức độ "tinh" của nguồn nhân lực. Hiệu quả đầu tư của Việt Nam rất thấp, nền kinh tế tăng trưởng dựa quá nhiều vào vốn đầu tư từ nước ngoài... làm cho kinh tế vĩ mô kém ổn định hơn. Sự yếu kém về mặt chất trong tăng trưởng kinh tế còn cho thấy nền kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và đang tác động tiêu cực đến môi trường do khai thác quá nhiều tài nguyên trong khi công nghệ thấp, không xử lý được những phát thải ra môi trường. Những yếu kém này bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng "theo chiều rộng" đã được áp dụng quá lâu. Do đó, để duy trì tính bền vững trong phát triển, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển sâu, bền vững và tăng trưởng xanh.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 Việt Nam đã khẳng định ”Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược, trong đó nêu rõ tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trong bối cảnh thế giới hết sức phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro bất ổn hiện nay do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với những yêu cầu nội tại của nền kinh tế trong nước, Việt Nam xác định việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài.
PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc kinh tế theo hướng phát triển xanh là một trong những quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm vừa qua, một trong những ưu tiên trong công tác lập pháp của Quốc hội Việt Nam là xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Luật bảo vệ môi trường được ban hành năm 2005 đã đặt nền tảng cơ bản cho cơ sở pháp lý của phát triển bền vững, tuy nhiên để có tầm bao quát rộng hơn, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật này trong nhiệm kỳ khóa XIII. Một loạt các luật chuyên ngành khác như Luật đa dạng sinh học, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật khoáng sản, Luật tài nguyên nước cũng đã được thực thi và tiếp tục hoàn thiện. Năm 2010, lần đầu tiên Quốc hội đã bố trí ngân sách Nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu. Quyết định này đã nhận được sự nhất trí cao của Quốc hội, thể hiện chính kiến rõ ràng của các nhà lập pháp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII diễn ra vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, trong đó nhấn mạnh những mục tiêu quan trọng như giảm nghèo bền vững; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giáo dục và đào tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; ứng phó với biến đổi khí hậu; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Trong thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận các dự án luật, tham gia quyết định các vấn đề phát triển và giám sát bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Ủy ban hiện cũng rất quan tâm đến việc hoàn thiện dự thảo "Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050" của Việt Nam đã được Chính phủ giao cho các bộ, ban, ngành thực hiện.
Các diễn giả, các nhà khoa học đến từ Hàn Quốc và Việt Nam đã chia sẻ thông tin về các nguyên lý, lộ trình tăng trưởng xanh; tăng trưởng xanh và những chính sách về khoa học, công nghệ, nông nghiệp; sử dụng tài nguyên và quản lý chất thải, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm xanh, tài nguyên nước, năng lượng xanh, hợp tác phát triển. Và bày tỏ những quan điểm, chia sẻ và đóng góp những ý kiến về vấn đề được cả hai nước quan tâm hiện nay, đó là chiến lược “tăng trưởng xanh” trên các nội dung: Đánh giá những kết quả phát triển kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian qua và những yêu cầu đặt ra đối với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và bền vững; Kinh nghiệm phát triển nền kinh tế xanh ở Hàn Quốc; Cơ chế hợp tác phát triển kinh tế xanh giữa hai nước.
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu