Tham dự hội thảo gồm khách mời GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế, cán bộ đang công tác tại Viện Nghiên cứu Châu Mỹ. Hội thảo xoay quanh chủ đề mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay dựa trên cái nhìn xuyên thấu của lịch sử trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, ngoại giao... Mối quan hệ ấy đã có những chuyển biến rõ rệt, đồng thời xuất hiện nhân tố mới – Trung Quốc.
Hội thảo chia làm bốn phiên. Phiên 1: Bối cảnh mới của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, chủ tọa GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn. Phiên 2: Những vấn đề chính trị, an ninh, ngoại giao trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, chủ tọa GS.TS. Nguyễn Thiết Sơn. Phiên 3 : Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ, chủ tọa TS. Cù Chí Lợi. Phiên 4: Các lĩnh vực khác, chủ tọa ông Ngô Quang Xuân.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ đã có những can dự mạnh mẽ vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương bằng các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và Việt Nam. Sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, và đặc biệt sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, những quan tâm của Hoa Kỳ tới khu vực có xu hướng giảm xuống. Về cơ bản trong một thời gian dài, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tương đối hòa bình và ổn định, vì vậy Hoa Kỳ tập trung chủ yếu phát triển các mối quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây với sự nổi lên của một loạt các quốc gia như Trung Quốc , Ấn Độ, Indonexia đang làm thay đổi mạnh mẽ các cân bằng trong khu vực, đặt ra nhiều thách thức với Hoa Kỳ trên cả lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Hoa Kỳ đã phải xem xét lại những ưu tiên chiến lược của mình và thực hiện các điều chỉnh nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của mình trong khu vực. Sự điều chỉnh này thể hiện rõ nhất trong bài phát biểu của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Trung tâm nghiên cứu Đông – Tây “Thế kỷ Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” vào tháng 11 năm 2011. Đây là bài phát biểu định hình rõ mục tiêu của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 tại Châu Á – Thái Bình Dương. Ngoại trưởng nhấn mạnh, tương lai của Hoa kỳ gắn liền với tương lai của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và ngược lại; nhiệm vụ quan trọng của Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại ở một vài thập kỷ tới là phải tăng đầu tư vào khu vực này về ngoại giao, kinh tế, chiến lược và các vấn đề khác.
Quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển theo chiều hướng trở thành đối tác chiến lược, tuy nhiên việc hai nước có trở thành đối tác chiến lược hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ, và Quốc hội Hoa Kỳ luôn luôn là một rào cản lớn liên quan đến vấn đề dân chủ nhân quyền. Vấn đề này có sự khác biệt lớn giữa hai nước, tuy nhiên rào cản này có thể vượt qua. Thông qua các cuộc đối thoại Việt Nam – Hoa Kỳ, hai bên đã đánh giá tình hình thế giới và khu vực, các vấn đề tác động đến ổn định và phát triển trên thế giới như cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu…; trong hợp tác song phương xoay quanh các vấn đề như hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các sáng kiến an ninh khu vực và quốc tế, gìn giữ hòa bình quốc tế và khả năng tham gia của Việt Nam, khắc phục hậu quả sau chiến tranh ở Việt Nam…
Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về mối quan hệ ba nước Việt Nam – Trung Quốc – Hoa Kỳ - một trong những vấn đề cấp thiết và nhiều tranh luận. Các nhà nghiên cứu đồng ý muốn lành mạnh hóa quan hệ với Trung Quốc láng giềng thì Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa xây dựng mối quan hệ với Hoa Kỳ; không hợp tác với Hoa Kỳ thì rất khó để điều chỉnh tốt quan hệ với Trung Quốc.
Đỗ Thị Mai
nguyenvu