Hội thảo quốc tế về "Khảo cổ học Việt Nam"

07/03/2012

Hội thảo quốc tế về "Khảo cổ học Việt Nam" Trong các ngày từ 29 tháng 2 đến ngày 2 tháng 3 năm 2012, tại Viện Goethe Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về Khảo cổ học Việt Nam. Hội thảo do Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đồng tổ chức.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà khảo cổ học quốc tế và trong nước trong đó có Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Đây là một hội thảo có tính chuyên môn sâu, và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện dự án hợp tác Việt - Đức và cuộc triển lãm lớn về Khảo cổ học của Việt Nam về Hoàng thành Thăng Long (sẽ được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức trong hai năm 2014 và 2015) để người Đức nói riêng và khách quốc tế nói chung có thể được tham quan, tiếp cận những giá trị văn hoá hàng nghìn năm của Việt Nam, thông qua đó có thể “đánh thức” mối quan tâm của người Đức đối với Việt Nam và tìm đến với Việt Nam.

Với 22 tham luận, Hội thảo là sự tổng quan về khảo cổ học Việt Nam từ thời kỳ đồ đá đến thời cận đại. Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tập trung trình bày những vấn đề về khoa học lịch sử và khảo cổ học dưới nhiều góc độ khác nhau, tiêu biểu là các nền văn hoá khảo cổ ở Việt Nam với Văn hoá Đông Sơn ở Miền Bắc, Văn hoá Sa Huỳnh ở Miền Trung và Văn hoá Óc Eo ở Miền Nam. Bên cạnh đó còn có các nghiên cứu mới nhất về Hoàng thành Thăng Long và Nhà nước Đại Việt.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.  Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học đã phân tích về lịch sử phát triển và những thành tựu của ngành Khảo cổ học Việt Nam đã đạt được từ trước đến nay. Khảo cổ học Việt Nam đã tiến xa hơn, cùng sự hợp tác giúp đỡ của các nhà khảo cổ học nước ngoài khiến cho ngành khảo cổ học nhận được sự quan tâm lớn từ quốc tế tới những nền văn minh cổ của Việt Nam.

Các đại biểu được nghe các tham luận quan trọng về Khảo cổ học Việt Nam như: “Khảo sát chung về văn hoá Đông Sơn và sự tác động của nó tới các vùng lân cận” (do TS. Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học trình bày); “Chămpa và mối quan hệ với các văn hoá, thời kỳ đồ sắt trước đó như Văn hoá Sa Huỳnh và Văn hoá Đồng Nai” (GS.TS. Ian Glover - Vương quốc Anh)… Đặc biệt, Hội thảo công bố nhiều nội dung về Hoàng thành Thăng Long như: Cấu trúc kinh thành Thăng Long; các loại hình kiến trúc và vật liệu xây dựng Hoàng thành Thăng Long; trang trí đất nung ở Thăng Long…

                                                      Nguyễn Vũ

 





nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: