Hội thảo có sự tham gia chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu và phát triển của các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học của Việt Nam, Cộng hòa Liên bang Đức, Pháp và Trung Quốc. Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và bà Brigitte Koller, Misereor đồng chủ trì.
Các nghiên cứu bước đầu về an sinh xã hội ở Việt Nam cho thấy đã có một hệ thống an sinh xã hội nhưng còn trống vắng nhiều thành tố quan trọng và mức độ bao phủ còn hạn chế. Hệ thống an sinh xã hội bao gồm hợp phần về các hệ thống bảo hiểm xã hội; y tế; chính sách trợ giúp việc làm, thất nghiệp; trợ giúp đặc biệt cho đối tượng có công; chính sách, chương trình trợ giúp xã hội; xóa đói giảm nghèo. Một tỷ lệ lớn người lao động thuộc khu vực không chính thức không nằm trong diện bao phủ của hệ thống này, chưa có những biện pháp bảo vệ an toàn khi cần thiết.
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, cho rằng: việc nghiên cứu và xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho khu vực không chính thức là cần thiết và cũng thể hiện tính trách nhiệm xã hội của các bên liên quan nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội trong quá trình tăng trưởng. Quá trình chuyển đổi kinh tế và hội nhập đang đặt Việt Nam trước thách thức và nguy cơ của những cú sốc kinh tế. Tình hình khó khăn do suy giảm kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến khu vực không chính thức càng trở nên dễ bị tổn thương. Tình trạng sa thải công nhân ở khu vực chính thức đang tiếp tục tạo thêm sức ép việc làm cho khu vực không chính thức. Lao động tại khu vực kinh tế không chính thức đang phải chịu nhiều rủi ro trong điều kiện lao động thiếu bảo hộ, công việc độc hại, tiền lương thấp, thiếu ổn định…
Để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình có thu nhập thấp, các tổ chức, đoàn thể khác nhau đã phát triển một số cơ chế thay thế bảo hiểm xã hội như: Quỹ tương trợ của Hội người cao tuổi ở Nghệ An, Nam Định; Quỹ tương trợ của Hội Phụ nữ ở Sơn La, Quảng Ninh, Hà Tĩnh... Các tổ chức xã hội tự nguyện ở nông thôn cũng tham gia tích cực vào việc hỗ trợ phòng tránh rủi ro cho các thành viên trong làng như việc lập ra các phường vàng, phường thóc, phường xi măng... Các tổ chức xã hội chính là một trong những "giải pháp" quan trọng mà khu vực phi chính thức hiện đang huy động để đảm bảo an sinh xã hội cho các thành viên của mình. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những hỗ trợ, trợ giúp cần thiết cho các thành viên của mình khi gặp rủi ro. Việc tham gia vào các phong trào vận động xã hội của các tổ chức xã hội tự nguyện này cũng đem lại sự trợ giúp xã hội cho các nhóm nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.
Nhằm thực hiện tốt chức năng xã hội, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam cần được củng cố hơn nữa bởi hành lang pháp lý của nhà nước, sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm và hỗ trợ miễn phí và những phong trào xã hội tự nguyện của các tổ chức hiệp hội mà người dân tự thành lập. Phát triển hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội cho khu vực không thống nhất cần huy động sức mạnh của các khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức xã hội tự nguyện và cả thiết chế an sinh truyền thống dựa trên gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, tranh luận về các nội dung, như: Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách trợ giúp thất nghiệp, chính sách trợ giúp đặc biệt cho đối tượng có công, chính sách xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo…
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu