Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ

03/04/2012

Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ Ngày 22 tháng 3 năm 2012, tại thành phố Cần Thơ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Chương trình nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các nhà quản lý và nhà khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện lãnh đạo ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành; sở kế hoạch và đầu tư, sở khoa học và công nghệ, sở tài nguyên và môi trường của 13 tỉnh, thành trong vùng Tây Nam Bộ; và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Sau bài phát biểu khai mạc hội thảo, giới thiệu tổng quan về vùng Tây Nam Bộ của Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng đã trình bày những nội dung chính của đề cương chương trình nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.

Đánh giá về tổng quan các công trình nghiên cứu đã thực hiện về vùng Tây Nam Bộ, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhận định: mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về sự phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bộ cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia cập nhật về vùng Tây Nam Bộ; chưa có một nghiên cứu đánh giá tổng thể ở cấp quốc gia về mọi mặt của vùng Tây Nam Bộ mang tính chiến lược, dài hạn, dựa trên cách tiếp cận về phát triển bền vững vùng; chưa có một nghiên cứu định hướng phát triển bền vững cho toàn vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, phù hợp với bối cảnh phát triển mới. 

Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, vùng Tây Nam Bộ vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong thời gian tới: nền kinh tế vùng tăng trưởng chưa ổn định và chưa vững chắc, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng rất thấp, thiếu cả đội ngũ công nhân kỹ thuật lẫn chuyên gia; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa được quy hoạch một cách tối ưu dẫn đến khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước còn hạn chế; các nguồn tài ngun thiên nhiên được sử dụng thiếu hiệu quả và đang có nguy cơ cạn kiệt và suy thoái; dân số đông nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập và phát triển giữa các dân tộc, khu vực và tiểu vùng; ĐBSCL được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng; hoạt động liên kết, hợp tác giữa các tỉnh thành trong nội bộ vùng và vùng với bên ngoài vẫn còn những hạn chế nhất định…

Trên cơ sở những quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ, những thách thức vùng Tây Nam Bộ phải đối mặt trong thời gian tới, những vấn đề của vùng còn chưa được giải quyết trong các công trình nghiên cứu trước đây, và đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng chương trình nghiên cứu về phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Chính vì thế, tính cấp thiết phải thực hiện nghiên cứu đề án phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 bởi Đảng và Nhà nước nhận định vị thế quan trọng của vùng Tây Nam Bộ và đặt ra yêu cầu phải phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tạo ra sự chuyển biến lớn để vùng phát triển ổn định. Sự phát triển của vùng sẽ góp phần to lớn để đạt các mục tiêu về phát triển bền vững của quốc gia trong tương lai”. Các luận cứ cho phát triển bền vững vùng phải quan tâm đến ba khía cạnh quan trọng và có quan hệ mật thiết: kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường. Bền vững về mặt kinh tế đòi hỏi việc đáp ứng các nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; về mặt văn hóa- xã hội đáp ứng mọi nhu cầu như giao tiếp, an ninh và trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, tiếp cận với các dịch vụ xã hội, đảm bảo chất lượng dịch vụ công và sự tham gia của dân cư vào hoạch định quá trình phát triển; về mặt tài nguyên môi trường sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn nguồn lực tự nhiên, bao gồm cả các hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.

Sau khi GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng trình bày về dự kiến mục tiêu, các nội dung nghiên cứu chính và kế hoạch triển khai, hội thảo đã nghe các ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Bạc Liêu, lãnh đạo Đại học Cần Thơ, đại diện lãnh đạo các sở: kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ, tài nguyên và môi trường của các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang, đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Các ý kiến phát biểu tập trung khẳng định sự cần thiết phải có một chương trình nghiên cứu tổng thể về vùng Tây Nam Bộ, đồng thời có những góp ý, gợi mở để nâng cao tính khả thi và thực tiễn của các mục tiêu và nội dung nghiên cứu chính của chương trình.

Cũng trong buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Phong Quang đề nghị Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù cho lúa gạo, cá tra, tôm và trái cây, làm sao giúp người nông dân sản xuất có lãi và góp phần phát triển kinh tế vùng ĐBSCL bền vững trong thời gian tới.

                                                         PV


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: