Phát biểu khai mạc Hội thảo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện, nhấn mạnh: Mục tiêu của Việt Nam trong vòng 10 năm tới phải đưa nền kinh tế nước nhà phát triển ổn định, bền vững, nâng cao được sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Để làm được việc này trước hết phải tính đến việc học tập, chia sẻ các quan điểm lý luận và nhận thức thực tiễn về tái cấu trúc nền kinh tế với các quốc gia Châu Âu nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với Châu Âu trong giai đoạn hiện nay.
Với mục tiêu nêu trên Hội thảo tập trung làm rõ được thực trạng và yếu tố tác động đến sự phát triển của Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng nợ công và suy thoái kinh tế; Các hướng điều chỉnh mô hình phát triển, trong đó chú trọng đến tái cấu trúc ngân hàng, tài chính, doanh nghiệp, chi tiêu, đầu tư công, đổi mới mô hình tăng trưởng, các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội; Đưa ra được những gợi mở chính sách và dự báo tác động đối với Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam – Châu Âu trước những cơ hội và thách thức của tái cấu trúc nền kinh tế.
Qua những tham luận, các nhà khoa học đều cho rằng năm 2011, khủng hoảng nợ công Châu Âu đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi hàng loạt các nước thành viên vượt trần những quy định do Liên minh Châu Âu đề ra. Nợ công tại Châu Âu sẽ tiếp tục đặt nền kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái trong suốt năm 2012. Triển vọng tái cấu trúc kinh tế Châu Âu đến năm 2020 với mục tiêu "tăng trưởng nhanh, bền vững và toàn diện" là điều khó dự báo.
Việt Nam là nền kinh tế mở sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình suy thoái, bất ổn của nền kinh tế toàn cầu. Năm 2012 với những cơ hội và thách thức đan xen sẽ là năm khó khăn trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Châu Âu vẫn là một trong những nhà cung cấp viện trợ phát triển hàng đầu của Việt Nam nhưng do tác động của khủng thoảng, vốn đầu tư trực tiếp từ châu Âu có xu hướng giảm và giảm tiếp trong năm 2012.
Từ việc xác định rõ thực trạng suy thoái, Hội thảo cũng đưa ra nhiều gợi mở cụ thể cho Việt Nam trong việc làm hạn chế những tác động của nợ công và suy thoái kinh tế. Về lâu dài, Việt Nam cần xác định rõ vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trước mắt Nhà nước nên chú trọng vào thực hiện kiến tạo môi trường chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nhà nước cần hạn chế tối đa sự có mặt của mình trong các lĩnh vực sản xuất và chỉ duy trì các tập đoàn kinh tế lớn nếu các tập đoàn này có tính kinh tế quy mô trong lĩnh vực mà tập đoàn hoạt động, đóng góp vào sự mở rộng thị trường quốc tế, thể hiện năng lực bắt kịp về năng suất và hiệu quả với thế giới, có khả năng nâng cấp trình độ công nghệ trực tiếp hoặc thông qua hiệu ứng lan tỏa đến các doanh nghiệp khác.
Vĩnh Hà
nguyenvu