Tham dự Hội thảo, về phía Nhật Bản có các đại biểu đến từ: Liên đoàn Ngân hàng Shinkumi, Bộ Tái thiết, Bộ Tài chính, Đại học Keio, Đại học Waseda, JICA, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ: Viện KHXH Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các viện nghiên cứu, các trường đại học tại Hà Nội cùng đại diện một số cơ quan báo chí của Nhật Bản và Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Trong những năm 80 ở Nhật Bản, các hoạt động đầu cơ bất động sản và chứng khoán đã làm cho giá địa ốc, giá cổ phiếu tăng cực nhanh đánh dấu một giai đoạn bong bóng kinh tế, rồi sau đó vỡ tan như một quả bóng xì hơi. Năm 1991, giá chứng khoán và địa ốc ở Nhật Bản giảm nhanh chóng, giá cổ phiếu hạ xuống đột ngột và kinh tế bong bóng kết thúc. Kể từ đó kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ khó khăn và suy thoái kéo dài trong suốt “hai thập kỷ mất mát”.
Ở Việt Nam, có thể nhận thấy hiện tượng bong bóng trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…Giá nhà đất cao một cách bất hợp lý gây nên bong bóng đầu tư bất động sản như một lĩnh vực kinh tế ảo. Tình trạng nợ xấu, các ngân hàng cho vay và đầu tư thiếu kiểm soát vào những lĩnh vực như bất động sản đã gây nên hiệu ứng của bong bóng vàng, bong bóng chứng khoán, và gần đây là bong bóng tín dụng do sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Đây là những nguy cơ có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt khi nền kinh tế Việt Nam hiện đang chịu áp lực lớn của lạm phát và đình trệ. Có thể nói bong bóng càng to thì tác động của nó càng lớn và hậu quả càng trở nên khó lường.
Theo ông Takeshi Hachimura, Cố vấn chính sách Cơ quan Tái thiết của Nhật Bản, hiện nay “bong bóng vàng” đáng lo hơn “bong bóng bất động sản” do vàng được giao dịch trong nước Việt Nam không thông dụng trên thế giới; nếu xử lý việc loại trừ bong bóng chỉ bằng chính sách vĩ mô sẽ thất bại.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam có thể tìm cho mình hướng đi đúng. Những gợi ý cho Việt Nam là khi khủng hoảng tài chính lan tỏa thì cần thiết phải hình thành sẵn hệ thống tài chính tín dụng trong nước mang tính đàn hồi. Cơ quan quản lý phải thực hiện vai trò duy trì tính lành mạnh của khu vực ngân hàng bằng cách tạo dựng hệ thống để nắm bắt được một cách thống nhất và liên tục vấn đề nợ xấu; chế độ cảnh báo và xử lý sớm, thanh khoản hóa tài sản; phải chú ý tới "cú sốc" đối với hệ thống sản xuất như cấu trúc lại các khoản nợ của các doanh nghiệp có nợ xấu, không tạo ra các "doanh nghiệp ma"; điều quan trọng nhất là bong bóng có thể lặp đi lặp lại nhưng khủng hoảng thì không xảy ra lần thứ 2 và ứng phó phải mang tính thực tiễn và linh hoạt. Ứng phó với những phát sinh liên quan đến hệ thống tín dụng, Nhật Bản tích cực áp dụng việc “rót” vốn công cho ngân hàng thiếu vốn nhưng Việt Nam thì phù hợp với giải pháp sáp nhập những ngân hàng tốt về tài chính với nhau. Việc phải ưu tiên là “cải cách cơ cấu” trước khi thực hiện đòn bẩy giám sát.
Nguyễn Vũ
nguyenvu