Các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và khả năng áp dụng ở Na Uy và Việt Nam

16/05/2012

Các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO và khả năng áp dụng ở Na Uy và Việt Nam Trong hai ngày 3 và 4 tháng 5 năm 2012 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Đại học Oslo (Na Uy) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề trên.

      Hội thảo là một trong những nội dung hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nhà nước và Pháp luật với Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Đại học Oslo. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nhân quyền Na Uy, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh…

        PGS.TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật phát biểu khai mạc Hội thảo. Ông Gisle Kvanvig, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Trung tâm Nhân quyền Na Uy; GS.TS. Robert Wallace Vaagan, Đại học Ứng dụng Oslo và Akershus, Na Uy; PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì Hội thảo.

      Mục đích của Hội thảo này là nhằm tìm hiểu những nội dung cơ bản của các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO, khả năng áp dụng tại Việt Nam và Na Uy.

    Các tham luận báo cáo tại Hội thảo đều nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của giới truyền thông. GS. Robert Wallace Vaagan cho biết, Na Uy không có luật riêng quy định trách nhiệm của truyền thông và báo chí nhưng có các văn bản khác điều chỉnh lĩnh vực này, như luật về quyền sở hữu trí tuệ năm 1999, luật về quyền thông tin cá nhân năm 2001.

      Khi thảo luận về việc vận dụng các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO vào sửa đổi Hiến pháp năm 1992, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, cần bảo đảm sự công khai, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

      Tại Hội thảo, các nhà khoa học đều nhất trí rằng các chỉ dẫn phát triển truyền thông của UNESCO mang tính khoa học, văn hóa và nhân văn. Các chỉ dẫn này được Việt Nam rất quan tâm, mong muốn tìm hiểu và áp dụng vào thực tế. Hai bên nhận thấy có nhiều điểm tương đồng giữa hai quốc gia trong việc thực hiện các chỉ dẫn này.

      Để có được những thông tin về mức độ thực hiện các chỉ dẫn, trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc hội thảo và nghiên cứu về vấn đề này, đây cũng là một trong những chủ đề trao đổi thường niên giữa Na Uy và Việt Nam.

                                                            


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: