Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

21/05/2012

Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước Hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Konrad Adenauer (Cộng hòa Liên bang Đức) đồng tổ chức tại Hà Nội, nhằm lấy ý kiến để góp phần đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại và hạn chế đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tham gia hội thảo có các nhà khoa học, các chuyên gia hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hội thảo đã đề cập đến hai mảng quan trọng nhất của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam là tái đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, sau nhiều năm đạt được thành tích tăng trưởng được coi là khá ngoạn mục, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với yêu cầu gay gắt phải "chỉnh sửa căn bản cấu trúc" để chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng mới về chất. Về vấn đề này, các chuyên gia đều cho rằng quá trình phát triển của nền kinh tế trong thời gian qua đã tích tụ những cản trở mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đó là sự mất cân đối vĩ mô ngày càng lớn, tình trạng lạm phát cao, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh thấp… Với mô hình tăng trưởng cũ, chủ yếu dựa vào sự gia tăng dàn trải, thiếu khoa học, chồng chéo và theo cơ chế nặng về xin - cho vốn đầu tư đã để lại hậu quả nặng nề, như môi trường đầu tư - kinh doanh không lành mạnh, nảy sinh lãng phí và tham nhũng… Từ đó, nền kinh tế ngày càng rơi sâu vào vòng xoáy “đình trệ - lạm phát cao”.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều đáng lo ngại hiện nay là quyết định chấp thuận đầu tư thường được dựa trên các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động vốn trong khi các tiêu chuẩn về hiệu quả đầu tư chưa được quy định chặt chẽ và chưa có hiệu lực ràng buộc về mặt pháp lý. Tình trạng dàn trải, tư duy cục bộ địa phương đã diễn ra và để lại hậu quả khó khắc phục. Cả nước đang đầu tư 20 cảng biển quốc tế nhưng đến nay chưa có cảng biển nước sâu tầm cỡ quốc tế hay đủ tầm vóc ảnh hưởng ở khu vực để từ đó tạo sức bật phát triển kinh tế cho địa phương và vùng phụ cận.

Nhận thức được vấn đề này, các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra những giải pháp, cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong phân bổ đầu tư công. Cụ thể, năm 2012, đã đề nghị Chính phủ cho phép công bố toàn bộ số vốn cấp cho các địa phương, bộ, ngành trong năm và giao lại quyền phân bổ, lựa chọn dự án đầu tư cho chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ trưởng. Bộ cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm (2013-2015). Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành, địa phương đánh giá cao trong việc thay đổi tư duy “chạy ngân sách, chạy dự án” và thay đổi cơ chế “xin cho”. Ngay trong năm 2012, việc phân cấp đầu tư công được chấn chỉnh theo nguyên tắc người ký quyết định đầu tư phải đảm bảo đủ vốn để công trình kịp tiến độ; phân cấp nhưng phải quản lý thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đảm bảo dự án có đủ vốn triển khai và được kiểm soát.

Về tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Nhà nước lẽ ra phải là xương sống cho cả nền kinh tế, nhưng trong suốt thời gian dài, tình trạng doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc của mình là điều dễ nhận thấy. Thậm chí, doanh nghiệp Nhà nước còn lấn sân, cạnh tranh với cả các doanh nghiệp tư nhân, không tập trung vào lĩnh vực ngành nghề chính làm cho nguồn lực bị phân tán. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực mà các loại hình doanh nghiệp khác không làm được, hoặc trước mắt chỉ cần các doanh nghiệp này thực hiện nghiêm việc không đầu tư ra ngoài ngành, thì cũng sẽ tạo ra động lực và nguồn lực cho nền kinh tế.

Ngoài ra, doanh nghiệp Nhà nước cần được thu hẹp về số lượng nhưng nâng cao chất lượng để phát triển theo hướng tinh hơn, bảo đảm vai trò nòng cốt đối với một số lĩnh vực tối quan trọng của quốc kế dân sinh như năng lượng, cung cấp dịch vụ công, bảo vệ môi trường, tham gia vào an ninh - quốc phòng, giao thông… Đặc biệt, Chính phủ, các bộ, ngành cần nâng cao hiệu quả quản lý, kiên quyết giảm thiểu, tiến tới kiềm chế tình trạng sử dụng vốn kém hiệu quả trong các doanh nghiệp Nhà nước. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc tái cấu trúc doanh nghiệp theo một số “kênh” như sắp xếp lại về ngành nghề của doanh nghiệp, cơ cấu lại về vốn, sáp nhập, nhất là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Việc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng là cơ sở tốt để tạo ra môi trường bình đẳng đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần khác nhau, từ đó thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý. Trong tương lai, sẽ tiến tới xóa bỏ tình trạng độc quyền và ủng hộ việc thành lập tập đoàn kinh tế đa sở hữu.

Các bài viết của các chuyên gia cho hội thảo đều ghi nhận, đầu tư công đã đóng góp không nhỏ cho cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tuy vậy, hầu hết các ý kiến đều đồng tình cần phải tái cơ cấu đầu tư công của Chính phủ.

                                                                                  PV

 


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: