Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với cộng đồng

28/05/2012

Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với cộng đồng Trong khuôn khổ Dự án Diễn đàn giáo dục quyền con người giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với Trung tâm Nhân quyền thuộc Trường Đại học Oslo của Na Uy (NCHR), ngày 22 tháng 5 năm 2012, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp với NCHR tổ chức Hội thảo với chủ đề "Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với cộng đồng".

Tham dự Hội thảo có đông đảo đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học tại Hà Nội. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Dự án đã phát biểu khai mạc và chủ trì Hội thảo. Phát biểu khai mạc, GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định vấn đề quyền con người ở Việt Nam hiện nay đã và đang trở thành vấn đề được xã hội nói chung và ngành Luật nói riêng đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn đất nước đang trong tiến trình hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân là một yếu tố quan trọng để tiến tới xây dựng Nhà nước Pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo chia làm 2 phiên.

Phiên thứ nhất, với chủ đề “Một số vấn đề về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động”, với 3 tham luận: “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội” (PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong hỗ trợ địa phương đào tạo nghề và giải quyết việc làm” (PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí, Đại học Luật Hà Nội); “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm điều kiện an toàn lao động” (TS. Phạm Thúy Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam).

Phiên thứ hai, với chủ đề “Một số vấn đề về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng”, với 3  tham luận: “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng và công trình công cộng nơi doanh nghiệp đóng trụ sở” (PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học xã hội Việt Nam); “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc góp phần xóa đói giảm nghèo” (PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Đại học Luật Hà Nội); “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc góp phần hỗ trợ những đối tượng thuộc nhóm người dễ bị tổn thương” (TS. Nguyễn Thị Báo, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

Các đại biểu thảo luận tập trung vào mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, việc đảm bảo an toàn lao động và quyền con người, như: sự khác biệt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và quyền con người; quyền được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn lao động được cụ thể hóa bằng ba quyền cơ bản của người lao động là: quyền được biết, quyền tham gia và quyền từ chối công việc không an toàn...

Về vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo an sinh xã hội, Hội thảo tập trung thảo luận về ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện trách nhiệm an sinh xã hội của doanh nghiệp; quy định của Nhà nước về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động và cộng đồng... PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, đã nêu lên một thực tế đáng buồn là nhiều doanh nghiệp tìm cách trốn hoặc chậm đóng bảo hiểm cho người lao động bằng cách khai không trung thực số người lao động. Cụ thể, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong 2 tháng  đầu năm 2012, số nợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đã lên tới 8.063,8 tỷ đồng.

Hội thảo cũng đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về vấn đề an sinh xã hội và cách thức tổ chức thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của doanh nghiệp trong việc bảo đảm an sinh xã hội đối với cộng đồng như xóa bỏ chế độ doanh nghiệp cùng chi trả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để vừa giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, vừa bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động…

Tiếp nối Tọa đàm “Những vấn đề lý luận và lịch sử về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người” đã được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 4 năm 2012, Hội thảo lần này nhằm làm sáng tỏ những nội dung và yêu cầu cơ bản về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng, nối kết những kinh nghiệm của Việt Nam với kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Na Uy.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS Võ Khánh Vinh, khẳng định, vấn đề quyền con người chưa bao giờ được thể hiện rõ và mạnh mẽ như hiện nay, thông qua kết quả Hội thảo lần thứ hai này và qua tổng hợp các ý kiến phát biểu thảo luận của các học giả, có thể nhận thấy chủ đề về mối quan hệ giữa trách nhiệm của doanh nghiệp với quyền con người là một chủ đề mới, đòi hỏi phải huy động các tri thức rộng lớn của các ngành khoa học khác nhau cả về mặt lý luận cũng như mặt thực tiễn để giải quyết. Viện Khoa học xã hội Việt Nam coi nghiên cứu quyền con người là một hướng đi chính trong thời gian tới. Trong chương trình tọa đàm về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động và đối với cộng đồng, 3 tọa đàm nữa liên quan đến các vấn đề như: “Mối quan hệ giữa các tập đoàn xuyên quốc gia và quyền con người”; “Trách nhiệm của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng”; “Kinh nghiệm quốc tế về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền con người” sẽ tiếp tục được tổ chức.

 

Nguyễn Thu Hà

 


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: