Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học đến từ Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và các nhà khoa học là lãnh đạo các viện nghiên cứu chuyên ngành của Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Thành viên Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ phát biểu khai mạc Hội thảo. GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Thành viên - Thường trực Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổ trưởng tổ biên tập về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn. Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng và GS.TS. Võ Khánh Vinh đồng chủ trì.
Ngày 6 tháng 8 năm 2011, Quốc hội đã có Nghị quyết số 06/2011/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Từ đó, việc tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992 và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 đã và đang được tiến hành tại các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương, được các nhà khoa học, các nhà quản lý và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể quần chúng quan tâm. Hội thảo này là một trong những hoạt động trong kế hoạch tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, và là một trong chuỗi các hoạt động nghiên cứu, thảo luận, góp ý, xây dựng phương án dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tiến hành trong thời gian qua.
Hội thảo tập trung vào thảo luận, trao đổi và góp ý kiến vào 7 nội dung cơ bản:
1) Tìm kiếm các định hướng liên quan đến chế độ chính trị, định hướng chính trị, như vấn đề chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ trực tiếp (bầu cử, trưng cầu ý dân), đại đoàn kết toàn dân tộc, sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội.
2) Định hướng và kiến nghị về nội dung của Hiến pháp liên quan đến quyền con người: phát huy nhân tố con người, thúc đẩy và đảm bảo quyền con người; Xây dựng các quy định bổ sung một số quyền mang tính phổ biến trong khu vực và thế giới; Sửa đổi việc quy định về các quyền không còn phù hợp.
3) Quy định về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội và môi trường, gom các vấn đề này về một nhóm vấn đề vào trong một chương của Hiến pháp; Cách thể hiện các vấn đề này trong Hiến pháp.
4) Quy định về bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
5) Quy định về bộ máy Nhà nước: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Chính quyền địa phương.
6) Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp: trình tự, thủ tục.
7) Vấn đề kỹ thuật lập hiến, cách thức thể hiện các quy định trong Hiến pháp.
Hội thảo được nghe 8 báo cáo tham luận, trên 20 lượt ý kiến thảo luận sôi nổi về những nội dung như: Những định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; Chế độ chính trị theo Hiến pháp năm 1992: thực trạng và nhu cầu sửa đổi; Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung; Bảo vệ Tổ quốc: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung; Quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ và của Chính quyền địa phương: cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung…
Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, các nhà hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật và nhà quản lý có uy tín cùng nhau tổng kết sâu sắc, toàn diện nội dung Hiến pháp, việc thi hành Hiến pháp trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, tại Hội thảo các diễn giả và đại biểu tham dự đã có những phát biểu thẳng thắn, chân thành, có trách nhiệm; các ý kiến có tính thiết thực cho việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã có đánh giá khách quan về vai trò, sứ mệnh của Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất; những mặt được, những hạn chế trong điều chỉnh và thi hành Hiến pháp… Những kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 sẽ được rà soát, tổng hợp, cân nhắc để đưa vào Bản kiến nghị của Viện Khoa học xã hội Việt Nam về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu