Vai trò của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia với hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong bối cảnh mới

26/07/2012

Vai trò của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia với hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong bối cảnh mới Đây là chủ đề Hội thảo thường niên lần thứ nhất ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia do Viện Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào (LASS) và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) đồng tổ chức ngày 23 tháng 7 năm 2012 tại thành phố Đà Nẵng.

Tham dự Hội thảo có Ban Lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Ban Lãnh đạo, các nhà khoa học Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; Ban Lãnh đạo, các nhà khoa học Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng; Đại diện lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các trường đại học trong cả nước.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Thongsalit Mangnomek, Quyền Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; GS.VS. Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; Ông Nguyễn Bá Thanh, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu khai mạc và chào mừng Hội thảo. GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Sự phát triển năng động của khu vực ASEAN, trong đó có ba nước Đông Dương, cùng với sự liên kết trong Tiểu vùng Mêkông mở rộng có vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn, giúp huy động nguồn lực tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho phát triển. Trong thời gian qua, xu thế hợp tác, kết nối kinh tế đã đang và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tiểu vùng Mêkông cũng nằm trong xu thế chung này. Sự hợp tác Tiểu vùng Mêkông đòi hỏi việc xây dựng các mối liên kết trên nhiều lĩnh vực, trong đó bao hàm cả khoa học xã hội. Trên thực tế, các hoạt động kết nối trên nhiều lĩnh vực đã trở thành một trọng tâm trong nhiều khuôn khổ hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Điều này xuất phát từ yêu cầu phối hợp và nỗ lực nhằm đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia có núi liền núi, sông liền sông, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương. Trải qua bao thăng trầm, song tình hữu nghị, hợp tác truyền thống lâu đời của ba nước vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển tốt đẹp, không những cùng nhau sát cánh trong công cuộc bảo vệ đất nước mà còn cùng nhau chung sức chung lòng trong công cuộc kiến thiết nước nhà. Những kết quả đạt được trong những năm qua không chỉ tạo nên bước khởi sắc cho chính quốc gia mình mà còn là điều kiện thuận lợi để Việt Nam, Lào, Campuchia tăng cường hợp tác có hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong sự nghiệp cao cả đó, khoa học xã hội của ba nước ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược phát triển đất nước, mở rộng hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực… Mối quan hệ hợp tác giữa VASS, LASS, RAC được duy trì và ngày càng phát huy tích cực đóng góp vào việc xây dựng, củng cố quan hệ giữa ba nước nói chung  và giữa các nhà khoa học nói riêng.

Hội thảo được chia làm hai phiên. Phiên thứ nhất: Bối cảnh quốc tế, khu vực và vai trò của ba nước trong hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng. Đồng chủ trì phiên thứ nhất:  GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Khamphone Bounadi, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; TS. Neth Barom, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Trong phiên này có 4 tham luận: “Tình hình thế giới và khu vực hiện nay đang tạo cơ hội cho ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia trong mối quan hệ hợp tác tiểu vùng Mêkông” do TS. Khamphai Rassmy, Phó Chủ tịch LASS trình bày.Hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia, Lào và Việt Nam thế kỷ 21” - GS.TS. Iu Chan, Giám đốc Viện Ngôn ngữ Quốc gia, RAC. Việt Nam – Lào – Campuchia và hợp tác tiểu vùng sông Mêkông mở rộng trong bối cảnh mới” – TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, VASS.Tam giác phát triển – điểm sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào – Campuchia- PGS.TS. Nguyễn Duy Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, VASS.

Phiên thứ hai: Thúc đẩy hợp tác về khoa học giữa ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Phiên này do GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Chủ tịch VASS; VS. Sum Chhum Bun, Phó chủ tịch RAC; và TS. Khamphai Rassuy, Phó chủ tịch LASS đồng chủ trì. Trong phiên này có 3 tham luận: Tăng cường hợp tác trong khoa học giữa Campuchia, Lào, Việt Nam” - Neth Barom, RAC. Hợp tác khoa học xã hội giữa Lào, Việt Nam, Campuchia là thiết thực để thúc đẩy hợp tác phát triển giữa ba nước” Ông Khamphone Bounadi, Phó Chủ tịch LASS.Hợp tác nghiên cứu về khoa học xã hội giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào – Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia: thành tựu và triển vọng” – PGS.TS. Trần Thị An, Trưởng ban Ban Quản lý khoa học, VASS.

Nội dung tham luận của các nhà khoa học và các phát biểu trao đổi thảo luận của các đại biểu tham dự tập trung vào các vấn đề, như:

1) Đánh giá thực trạng hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông và triển vọng. Không phải chỉ đến bây giờ thực trạng về hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mới được đưa ra thảo luận mà đây là nội dung của khá nhiều cuộc hội thảo các cấp ở nhiều nước, nhiều diễn đàn khác nhau. Trong 3 giai đoạn của Hợp tác tiểu vùng Mêkông mở rộng (GMS) thì giai đoạn III từ năm 2001 đến nay là thời kỳ mà quan hệ hợp tác GMS đã đi vào thực chất, ổn định và có những kết quả lạc quan hơn. Tại Hội thảo này, các nhà khoa học đã tập trung đánh giá những kết quả, thành công và hạn chế của hợp tác Tiểu vùng hiện nay, từ đó tìm ra các nguyên nhân và đề xuất các sáng kiến mới nhằm đẩy mạnh hợp tác của khu vực này.

2) Bối cảnh mới đang và sẽ diễn ra tác động như thế nào đến hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng. Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông nói chung, hợp tác ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia hiện nay và trong giai đoạn tới nói riêng sẽ chịu tác động rất mạnh bởi sự thay đổi của bối cảnh mới. Đó là sự thay đổi trật tự chính trị quốc tế và khu vực, nhất là sự hình thành cộng đồng ASEAN vào 2015, gia tăng cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, đó là sự thay đổi tình hình trong mỗi quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… Đặc biệt sự biến đổi của khí hậu và các vấn đề toàn cầu, như: dân số, môi trường, thảm hoạ…

3) Vai trò của Việt Nam, Lào, Campuchia trong hợp tác phát triển Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng hiện nay và trong thời gian tới. Kể từ khi khởi xướng Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông đến nay đã cho thấy vai trò và sự đóng góp hết sức quan trọng của Việt Nam, Lào, Campuchia, lợi ích đưa lại không chỉ cho khu vực mà cho cả chính mỗi quốc gia. Hiện nay và trong thời gian tới sự hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng đòi hỏi ba nước cần nâng cao nhận thức và hành động, đề xuất các sáng kiến, cách thức hợp tác phù hợp để các chương trình, các thảo thuận giữa các nước về phát triển Tiểu vùng được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

4) Trong khuôn khổ song phương và đa phương sự kết nối hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông với các tiểu khu vực khác nhau sẽ được thực hiện ra sao? Đặc biệt sự kết nối với hợp tác phát triển Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Không chỉ trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mà 3 nước còn tham gia các diễn đàn, các hợp tác tiểu khu vực khác, trong đó có hợp tác phát triển Tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia. Tại Hội thảo này, các nhà khoa học đánh giá thực trạng hợp tác của 3 nước và gợi ý những định hướng và giải pháp trong thời gian tới nhằm tăng cường sự phối hợp trong việc thúc đẩy sự phát triển khu vực này.

5) Trao đổi về các nội dung hợp tác khoa học giữa VASS, LASS, RAC hiện nay và trong thời gian tới.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận thẳng thắn, rõ ràng với tinh thần hữu nghị, hợp tác và xây dựng. Những nỗ lực chung của các nhà khoa học ba nước không chỉ góp phần giải đáp các vấn đề chung trong hợp tác ba nước cũng như ở mỗi quốc gia mà còn thông qua các hình thức hợp tác đó khẳng định vai trò của giới khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước và góp công sức của mình để vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa ba nước chúng ta. Hội thảo đã có tiếng nói của các nhà khoa học vào việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác ba nước nói chung, Tiểu vùng Mêkông mở rộng, Tam giác phát triển nói riêng hiện nay và trong thời gian tới.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo. Bắt đầu từ ý tưởng thúc đẩy hợp tác ba nước, đến nay chúng ta đã có những kết quả tốt đẹp trong hợp tác, đó là tài sản quý đang tiếp tục được phát huy và nhân lên trong thực tiễn. Hội thảo thể hiện sự chuẩn bị tích cực, có ý thức cao của cả ba Viện, là sự chia sẻ tâm huyết của ba nước. Thế giới biến đổi quá nhanh, khó nhìn nhận và nắm bắt được, vì vậy muốn không bị tụt hậu chúng ta cần phải phát triển bền vững, chúng ta có lợi thế ở vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực. Muốn mạnh chúng ta cần phải phát triển, hạn chế rủi ro, khắc chế thách thức. Các báo cáo đã đánh giá thẳng thắn, chính xác thực tế hợp tác của ba nước đã được tiến hành từ lâu nhưng mới ở cấp các viện nghiên cứu chuyên ngành, sắp tới VASS, LASS và RAC cần phải xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác giữa ba bên. Những năm vừa qua VASS và RAC, VASS và LASS đã có hiệp định về hợp tác, nhưng chưa có hiệp định hợp tác giữa LASS và RAC và giữa ba bên. Tại phiên Hội thảo thường kỳ lần thứ hai sắp tới sẽ được tổ chức ở Lào và các hiệp định hợp tác hai bên giữa LASS và RAC và ba bên giữa VASS, LASS và RAC sẽ được tiến hành ký kết tại đây.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp, có được thành công này là do nỗ lực đóng góp không nhỏ của Lãnh đạo ba Viện, của Chính phủ ba nước và sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và của Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

 

                                 Nguyễn Thu Hà

 

 

 

 

 


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: