Rabindranath Tagore, tình yêu và lòng nhân ái cao cả hiến dâng cho nhân loại

23/11/2011

Rabindranath Tagore, tình yêu và lòng nhân ái cao cả hiến dâng cho nhân loại Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Rabindranath Tagore (1861 – 1941), trong hai ngày 9 – 10 tháng 11 năm 2011, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế “Cuộc đời và di sản vĩ đại của Rabindranath Tagore”, do Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Hội đồng Giao lưu văn hóa Ấn Độ.

Ngài Đại sứ Cộng hoà Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae phát biểu khai mạc hội thảo. Tham dự hội thảo, khách mời gồm có: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; ông Phạm Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; GS. Sukanta Chaudhuri, điều phối viên hội thảo; cùng các học giả và chuyên gia về Tagore của Việt Nam, Ấn Độ và một số nước Châu Á khác.

Rabindranath Tagore được biết đến là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, một triết gia, là Đại sứ văn hóa của Ấn Độ trên thế giới. Là người Châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel vào năm 1913, Tagore được coi là nhân vật xuất chúng trong thế giới văn hóa của tiểu lục địa Ấn Độ.

Tagore luôn được nhớ đến như một đại văn hào, một nhà dân tộc chủ nghĩa kiên cường, và nhất là một nhà tư tưởng nhân văn lỗi lạc. Ông đem lại cho các dân tộc bị áp bức niềm tin vào sự bình đẳng, hội nhập, và chỉ ra viễn ảnh tốt đẹp cho con người là sự học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn minh. Sáng tác nghệ thuật cũng như nhiều tác phẩm của ông về phê bình văn học, triết học và xã hội học… luôn là những dẫn chiếu quý giá và nóng hổi tính thời sự. Và cuộc đời 80 năm luôn tự mang hai sứ mệnh: phục hưng dân tộc và đoàn kết thế giới trong nền văn hóa quốc tế, với một thái độ hết sức nhẫn nại và khiêm nhường của Tagore cũng sẽ luôn được nhắc đến như một tấm gương cho nhân loại.

Sinh ra trong thời kì phục hưng Bengali, Tagore lớn lên trong một gia đình ngập chìm trong tri thức cổ xưa của Ấn Độ, và cũng đồng thời chịu ảnh hưởng của những làn gió mới thổi từ phương Tây. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn thực sự và đã giảng giải các tư tưởng về tình yêu, niềm tin, cái đẹp và tình anh em, sự hòa hợp. Những điều đó cũng chính là bản chất con người và nhân sinh quan của ông, được mở rộng và phát triển trong quá trình ông đi khắp thế giới, từ Tây sang Đông, từ Nam chí Bắc. Ông trân trọng nhất những gì mà cả phương Đông và phương Tây có. Ông muốn khoa học và tinh thần cùng đồng hành bên nhau. Ông đã từng nói rằng “một tư tưởng lúc nào cũng logic thì giống như một con dao quá sắc, nó khiến cho bàn tay sử dụng nó bị chảy máu”. Tagore với niềm tin mãnh liệt rằng cuối cùng thì chân lý và cái đẹp cũng chiến thắng. Chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Einstein cũng có chung niềm tin ấy với cây đại thụ của nền văn học Ấn Độ Rabindranath Tagore. Einstein đã từng nói: “Những thứ đã soi đường mở lối cho tôi và hết lần này đến lần khác đem lại cho tôi dũng khí mới để vui vẻ đối mặt với cuộc sống là sự nhân ái, cái đẹp và chân lý”. Tiến bộ của loài người chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức của con người về điều này. Trao đổi với Einstein, Tagore đã nói: “Sự tiến bộ của tâm hồn chúng ta được ví như một bài thơ hoàn hảo. Nó chứa đựng một ý tưởng bất tận, mà một khi được hiện thực hóa sẽ khiến cho mọi tiến triển đều trở nên có ý nghĩa và tràn đầy hứng khởi. Nhưng nếu chúng ta tách những tiến triển khỏi ý tưởng cốt lõi đó, nếu chúng ta chỉ nhìn thấy phần động bất tận mà không nhìn thấy phần tĩnh bất tận thì sự tồn tại với chúng ta sẽ chẳng khác gì một con quỷ xấu xa điên cuồng lao về phía trước mà không có mục đích rõ ràng”. Chẳng có mất mát cá nhân nào có thể khiến Tagore chệch khỏi quỹ đạo cống hiến hết mình cho đất nước mình, thời đại của mình và ngôn ngữ dân tộc mình – ngôn ngữ Bangla và Bengal, chất kết dính hai dân tộc Ấn Độ và Bangladesh lại với nhau. Ông hiểu rằng sau cơn mưa trời lại sáng và chính ông cũng đã nói: “Mây đen kéo đến cuộc đời tôi, nhưng không phải để gây mưa hay báo bão mà thêm sắc cho bầu trời của tôi lúc hoàng hôn”.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam nói: Hội thảo quốc tế về “Cuộc đời và di sản vĩ đại của Tagore” sẽ trở thành một dấu mốc trong việc mở rộng nghiên cứu Tagore ở Việt Nam và khu vực Châu Á, góp phần đưa lời hẹn ước ngót một thế kỉ trước đây của Tagore về một bản sắc Châu Á thống nhất và có vị trí xứng đáng trong cộng đồng nhân loại sớm trở thành hiện thực. Có thể xem hội thảo này là kết quả của tinh thần hợp tác tốt đẹp giữa Viện Khoa học xã hội Việt Nam với các đơn vị nghiên cứu khoa học và tổ chức văn hóa trong cả nước. Đồng thời, sự hiện diện của các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia láng giềng Châu Á, thêm một lần nữa xác nhận, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự giao lưu văn hóa khoa học chặt chẽ trong toàn khu vực.

Hội thảo diễn ra với tinh thần làm việc nghiêm túc, các học giả và chuyên gia về Tagore đã trình bày các tham luận về nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đời ông. Một bức tượng bán thân của Tagore được đặt tại Bảo tàng Văn học ở Hà Nội vào ngày 10/11/2011 nhân kỉ niệm 150 năm ngày sinh của ông.

 

Đỗ Thị Mai

 

Các tham luận được trình bày tại Hội thảo:

- Tư tưởng Tagore về một Châu Á hồi sinh (GS. Swanpan Majumdar).

- Rabindranath Tagore với đối thoại Đông – Tây nửa đầu thế kỷ XX (GS.TS. Nguyễn Văn Hạnh).

- Đạo Phật Ấn Độ và hình ảnh Rabindranath Tagore trong lòng bạn đọc Việt Nam (Hoàng Thúy Toàn).

- Châu Á trong tư tưởng của Tagore (GS. Radha Chakravarty).

- Những ảnh hưởng của Rabindranath Tagore đến nhà thơ Đông Hồ (Đào Thị Diễm Trang).

- Tagore, Governor Mantra và lễ hội nghệ thuật Bali (Sugi Lanus).

- Rabindranath Tagore – một họa sĩ tài ba (GS. Ha Jin Hee).

- Rabindranath Tagore tình yêu và lòng nhân ái cao cả hiến dâng nhân loại (Lê Thanh Nghị).

- Đạo Phật và một số tác phẩm của Rabindranath Tagore (GS. Đỗ Thu Hà).

- Rabindranath Tagore và văn chương Phật giáo (GS. Pramita Mallick).

- Rabindranath Tagore dừng chân ở Sài Gòn (GS. Supriya Roy).

- Tagore ở Sri Lanka: du hành, tác phẩm dịch và ảnh hưởng (TS. Sandagomi Coperahewa).

- Radical Departures: những bức họa của Rabindranath Tagore (GS. Indrapramit Roy).

- Tư tưởng “phục hưng” và sự hoàn thiện tinh thần Ấn Độ truyền thống của Tagore trong truyện ngắn (ThS. Lê Thanh Huyền).

- Quan điểm cả Tagore về tái xây dựng nông thôn và kinh tế làng xã (Mofidul Hoque).

- Tích hợp Đông – Tây, truyền thống và hiện đại trong kịch Rabindranath Tagore, qua tác phẩm “Chandalika” (PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền).

 


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: