Tới dự Hội thảo có các vị khách quốc tế: GS.TS. Vladimir Nicolaiêbur Kolotov, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga – Việt thành phố Peterbua, Cộng hòa Liên bang Nga; GS.TS. Philippe Lephuyê, Phó giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội. Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Lịch sử Công An, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang…
GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Hội thảo do GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam; và PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học đồng chủ trì.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu quê ở làng Vân Cát (huyện Vụ Bản, Nam Định), sinh ngày 5 tháng 11 năm 1901 trong một gia đình Nho học truyền thống. Năm 18 tuổi, ông đã bắt đầu những hoạt động yêu nước đầu tiên. Với bản lĩnh của một nhà hoạt động chính trị, tâm hồn của nhà thơ, sự sắc sảo tinh tế của nhà báo và nhất là tầm nhìn mang tính chiến lược, Trần Huy Liệu đã nhận thức được yêu cầu phải có một tổ chức nghiên cứu về khoa học xã hội để phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Cống hiến xuất sắc của Trần Huy Liệu đối với ngành khoa học xã hội chính là ở chỗ ngay từ ngày 6 tháng 9 năm 1953, trong bản đề nghị lên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cho thành lập Ban Nghiên cứu Sử - Địa – Văn, ông đã gắn kết ba ngành khoa học lịch sử, địa lý và văn học trong một tổ chức ban đầu và coi đó là điểm xuất phát của ngành khoa học xã hội Việt Nam. Ông cho rằng ba ngành khoa học đó không chỉ lấy “góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước” làm trọng tâm, mà còn “góp phần củng cố lập trường cách mạng, nâng cao nhiệt tình cách mạng và bồi dưỡng tinh thần quốc tế trong sáng”. Bản đề nghị của ông được Ban Bí thư Trung ương chấp nhận, ngày 2.12.1953, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 34 QN/TW thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý – Văn học trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng với nhiệm vụ chính là “sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu lịch sử, địa lý và văn học Việt Nam và biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý và văn học Việt Nam; nghiên cứu và giới thiệu sử học, địa lý và văn học với các nước bạn”.
Ông là một nhà cách mạng, một chính khách với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, đã được Đảng và Nhà nước tin cậy giao nhiều trọng trách: Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại - ông vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền Chính phủ Lâm thời, Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Nam Định, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng ban thống nhất Quốc hội…Từ năm 1953, Trần Huy Liệu được cử làm Trưởng ban Nghiên cứu Văn Sử Địa trực thuộc Trung ương Đảng, Viện trưởng đầu tiên Viện Sử học, Chủ tịch đầu tiên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam)... Trên nhiều cương vị khác nhau, Trần Huy Liệu đều có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực sử học Việt Nam hiện đại mà ông gây dựng nền móng. Ông đã được bầu làm Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức và được tặng thưởng Huân chương Humbôn. Năm 1996, các công trình về Lịch sử của Trần Huy Liệu được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay với những thành quả to lớn đã đạt được trong gần 60 năm qua luôn gắn với tên tuổi của Giáo sư Viện sĩ Trần Huy Liệu – người sáng lập và là người đặt nền móng gây dựng cơ sở, định hướng và xây đắp nên những truyền thống tốt đẹp cho sự phát triển của Viện Khoa học xã hội Việt Nam sau này. Hội thảo được nghe 24 báo cáo tham luận của các thế hệ cán bộ, nhà khoa học, các đồng nghiệp viết về Giáo sư Viện sĩ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, báo chí, thơ ca, văn học nhất là lĩnh vực lịch sử, bởi vì ông vừa là nhà viết sử vừa là nhân chứng lịch sử.
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu