Nội dung Báo cáo do TS. Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm Nghiên cứu định lượng Chương trình nghiên cứu "Những cuộc đời trẻ thơ" trình bày, đây là các kết quả sơ bộ sau vòng ba điều tra thu thập số liệu của Chương trình Nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ tại Việt Nam được thực hiện từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010. Báo cáo đưa ra một số các chỉ số chính về nghèo trẻ em, và những thay đổi đã diễn ra trong cuộc sống của các em qua các đợt điều tra thu thấp số liệu từ vòng 1 đến vòng 3 này. Các số liệu chủ yếu được công bố chung cho cả nhóm tuổi, với phần lớn kết quả được phân theo giới tính, điều kiện kinh tế, vùng nông thôn/thành phố và dân tộc. Đặc biệt, Báo cáo còn đưa ra được so sánh giữa nhóm trẻ lớn lúc 8 tuổi vào năm 2002 (vòng 1), với nhóm trẻ nhỏ lúc 8 tuổi vào năm 2009 (vòng 3) – nhằm xác định một số biến đổi đã diễn ra trong nghiên cứu cộng đồng trong suốt thời gian qua. Dù không thể trình bày hết tất cả thông tin đã được thu thập, nhưng báo cáo đã chứa đựng những số liệu quan trọng nhất, hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức cá nhân khác liên quan đến trẻ em Việt Nam.
Trong đợt khảo sát vòng 3 này, các thành viên của Chương trình Nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ đã đến gặp 2.939 trẻ trong số 3.000 trẻ trong mẫu điều tra và hộ gia đình của các em (1.963 trẻ thuộc nhóm nhỏ 8 tuổi và 976 trẻ thuộc nhóm lớn 15 tuổi). Tỷ lệ rơi rụng là 2% mẫu ban đầu (năm 2002).
Việt Nam đã có rất nhiều biến đổi kể từ sau vòng khảo sát đầu tiên của Chương trình Nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ năm 2002. Tăng trưởng và giảm nghèo mạnh mẽ vẫn tiếp tục, cùng với việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng 1/2007 được ghi nhận là cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đã chịu tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và cùng với và đợt tăng giá lương thực năm 2007-2008. Các cú sốc này thực sự đã là một sự thử thách lớn tới quá trình giảm nghèo với những kết quả ấn tượng đạt được từ năm 1993, nhưng đã có phần chậm lại trong những năm gần đây. Khảo sát điều tra điều kiện sinh hoạt hộ gia đình Việt Nam cho thấy tỷ lệ người nghèo dưới mức chuẩn nghèo chính thức là 10,7% trong năm 2010, giảm so với 16% của năm 2006.
Bên cạnh thành tựu quan trọng trên, vẫn còn tình trạng nghèo kinh niên, và hiện tượng bất bình đẳng ngày một gia tăng, giữa người giàu và người nghèo, giữa người Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số, và giữa các vùng nông thôn và thành phố. Trẻ em trong những nhóm nghèo kinh niên này chính là những đối tượng cần được quan tâm, và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách tập trung vào điều kiện tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số, chất lượng giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ, và hỗ trợ đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Xung quanh bản báo cáo, đã có rất nhiều ý kiến của các thành viên tham gia hội nghị. Đa phần ý kiến đều chỉ rõ sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống cũng như ngôn ngữ giữa bộ phận trẻ em thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa đã gây ra tình trạng phát triển không đồng đều trên. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bày tỏ vẫn chưa đủ thuyết phục với những số liệu báo cáo trên, đề nghị cần làm rõ hơn. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cần phải đưa thêm các vấn đề khác như tình trạng bạo lực, xâm phạm, tai nạn thương tích vào chương trình nghiên cứu.
Kết quả điều tra Chương trình Nghiên cứu Những cuộc đời trẻ thơ cho thấy trẻ em Việt Nam sinh sau thiên niên kỷ mới có các chỉ số y tế và giáo dục tốt hơn nhóm trẻ lớn sinh năm 1994-1995. Tuy nhiên, cải thiện trong việc chăm sóc trẻ em vẫn chưa được thực hiện đồng đều giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, và giữa các dân tộc thiểu số và đa số. Quyết tâm của Chính phủ về phát triển trẻ em được thể hiện qua hàng loạt các nội dung chính sách lớn, như Chương trình Hành động Quốc gia về Trẻ em 2001-2010, Chiến lược Quốc gia về Phát triển Giáo dục 2001-2010, Chiến lược Giáo dục Quốc gia 2011-2020; Chương trình Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 2010-2015, và một loạt các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và nghị định của Chính phủ. Tác động thực tế của các quy định này vẫn còn phải được xem xét. Một điều chắc chắn rằng Chính phủ cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm đảm bảo các dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng tốt cho các nhóm trẻ em với điều kiện khó khăn. Ngoài ra, các biện pháp can thiệp phải đến được với trẻ em từ khi còn rất nhỏ. Báo cáo quốc gia này có thể giúp xác định các nhóm trẻ và khu vực dịch vụ để các nhà hoạch định chính sách có thể xem xét can thiệp.
Nguyễn Thu Hà
nguyenvu