Hội thảo tiếp tục là một trong những sáng kiến tiên phong của cộng đồng các nhà khoa học quốc tế, Hàn Quốc và Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách về Tăng trưởng xanh ở Tiểu vùng Mekong. Đây cũng là hoạt động hợp tác quan trọng giữa VASS và GGGI trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách được hai bên thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua.
Hội thảo quy tụ gần 100 đại biểu từ Việt Nam và quốc tế. Phía Việt Nam có 50 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, khoa học, tư vấn chính sách đến từ nhiều bộ ngành, cơ quan quản lý, nghiên cứu và đào tạo. Về phía quốc tế, có 45 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế như GGGI, WB, UNDP, UNEP, UN-HABITAT, UNESCAP… từ Hàn Quốc và các quốc gia trong Tiểu vùng Mekong như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Một số cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình trong và ngoài nước cũng đã tham dự Hội thảo.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã tham dự Hội thảo và có bài phát biểu chào mừng.
Phát biểu tại phiên khai mạc, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, sự thịnh vượng của Tiểu vùng Mekong phụ thuộc nhiều vào việc quản lý tốt hơn những vấn đề về phát triển, về sự phối kết hợp giữa các quốc gia với nhau nhằm khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái, không làm tổn hại đến nhu cầu của tương lai; và hướng tới một nền kinh tế xanh là để thực hiện mục tiêu này. Với chủ đề “Mekong – Trung tâm Tăng trưởng xanh ở Châu Á – Thái bình dương”, Hội thảo thể hiện mong muốn các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học và người dân trong Tiểu vùng nỗ lực hơn nữa để đưa Tiểu vùng Mekong không chỉ là điển hình về tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững mà còn là một hình mẫu trong thực hiện Tăng trưởng xanh ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Cae One Kim, cố vấn cấp cao Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu, nhấn mạnh, khó khăn nhất trong thực hiện tăng trưởng xanh ở Tiểu vùng Mekong chính là sự phối hợp giữa các quốc gia trong Tiểu vùng với nhau, là sự thiếu khung khổ, cơ chế và ràng buộc cần thiết giữa các quốc gia trong Tiểu vùng trong việc khai thác và chia sẻ nguồn lực chung. Bên cạnh đó, các quốc gia luôn bàn về thuyết Tăng trưởng xanh, nhưng lại không áp dụng tăng trưởng xanh trong thực tiễn vì thiếu công nghệ, vốn, tri thức và kinh nghiêm. Do vậy, các chiến lược tăng trưởng xanh của các quốc gia cần có những kế hoạch cụ thể và biện pháp chính sách cần thiết để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực liên quan.
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các nhà hoạch định chính sách từ nhiều quốc gia, các chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín từ các cơ quan khoa học, các bộ ngành và các tổ chức quốc tế đã trình bày, với 35 tham luận, và thảo luận sôi nổi trên một phạm vi rộng các vấn đề liên quan đến Tiểu vùng Mekong trong các lĩnh vực: nông nghiệp, môi trường, năng lượng và quản lý nguồn lực nước, giao thông vận tải, phát triển đô thị, việc làm, huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh… Đồng thời, kinh nghiệm quốc tế nói chung và Hàn Quốc nói riêng trong thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển chính sách cũng đã được chia sẻ tại Hội thảo, với nhiều ví dụ thành công ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển, gợi ra rất nhiều hàm ý cho các quốc gia trong Tiểu vùng Mekong. Hội thảo diễn ra sôi nổi trên tinh thần trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và tri thức một cách thẳng thắn, cởi mở và mang tính xây dựng cao.
Tại phiên bế mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu tham dự và của các bên trong tổ chức Hội thảo đầy ý nghĩa và rất thành công này, nhấn mạnh: Tăng trưởng là vấn đề quan trọng, là mục tiêu toàn cầu và đẩy mạnh tăng trưởng xanh như một xu thế tất yếu hướng tới một thế giới bền vững hơn trong tương lai. Do vậy, việc xây dựng chính sách, quy hoạch rất cần có sự kết hợp, hợp tác giữa quốc gia phát triển và đang phát triển, đặc biệt là sự hợp tác và chia sẻ tri thức, kinh nghiệm của GGGI của Hàn Quốc với các quốc gia trong Tiểu vùng Mekong.
Trên cơ sở những hoạt động và sự phối hợp có hiệu quả giữa VASS và GGGI trong thời gian qua, với những đóng góp quan trọng của GGGI, sự hợp tác giữa 2 bên ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng ngày càng được nâng cao và đối tượng tham dự ngày càng mở rộng. Điều đó thể hiện ý tưởng, sáng kiến hết sức đúng hướng của GGGI và nỗ lực của Viện khoa học xã hội Việt Nam trong vai trò cầu nối giữa các quốc gia trong Tiểu vùng. Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Thuấn đã đề xuất một số hoạt động tiếp theo, trong đó có việc hướng tới ký kết một văn bản thỏa thuận chung giữa hai bên làm cơ sở pháp lý cho việc tăng cường quan hệ đối tác này và một đề xuất nghiên cứu chung về Tăng trưởng xanh trong thời gian tới.
TS. Vũ Hùng Cường