Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu quốc tế có: GS. Sylvaine Castellano, Giám đốc nghiên cứu, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS Amandine Laré, Trưởng phòng Kinh tế, Lãnh thổ và Phát triển bền vững, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS. Fabien Martinez Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS. Roland Condor, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); PGS.TS Nguyễn Hữu Thành Tâm, Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); GS. TS. Pankai Jha, Tổng biên tập Tạp chí Jindal về các vấn quốc tế, Đại học Toàn cầu O P Jindal, Ấn Độ; GS. Jan Stejskal, Đại học Pardubice; PGS. Viktor Prokop, Đại học Pardubice; GS. Vũ Băng Tâm, nguyên hiệu trưởng và giáo sư tại Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Hawai tại Hilo, và các Giáo sư của Trường Kinh doanh EM Normandie dự online.
Về phía Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ - Tổng biên tập Tạp chí KHXH miền Trung; TS. Trần Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ; ThS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng ban Hợp tác quốc tế; PGS. TS. Vũ Hùng Cường, Viện trưởng Viện thông tin Khoa học xã hội; PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ; PGS.TS Hồ Việt Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí nguồn nhân lực.
Hội thảo lần này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo của các đại biểu là nhà khoa học trong và ngoài nước, giảng viên, các nhà quản lý đến từ trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan Trung ương cùng các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo. Đặc biệt, Hội thảo vinh dự nhận được sự đăng ký tham gia của nhiều học giả và các chuyên gia đến từ các đơn vị nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế: Trường Kinh doanh EM Normandie, Đại học Normandie (Cộng hòa Pháp); Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội Luxembourg; Trường Kinh tế Symbiosis, Ấn Độ; Viện Nghiên cứu Chuyên nghiệp Vivekananda - Ấn Độ; Đại học Công đoàn; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch; Học viện Chính trị Khu vực III, Viện KHXH vùng Nam Bộ, Viện Thông tin Khoa học xã hội;…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Hoàng Hồng Hiệp Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho biết, ở Việt Nam, phương cách để tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia là đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xác định “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp là trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”. Do đó, doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo luôn có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững quốc gia, vùng và địa phương.
TS. Hoàng Hồng Hiệp nhấn mạnh thêm: Doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo được đánh giá là hai yếu tố quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững. Doanh nghiệp từ lâu đã được xác định là thành phần cơ bản của nền kinh tế có trách nhiệm thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tác động đến sự phát triển và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế thị trường. Vai trò của doanh nghiệp được thể hiện thông qua khả năng tạo việc làm, điều khiển sự phát triển kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển các điều kiện xã hội và xác định, giải quyết các thách thức xã hội - môi trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn được xem là công cụ giải quyết vấn đề thất nghiệp, nghèo đói cũng như đóng vai trò quan trọng trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong khi đó, lĩnh vực đổi mới sáng tạo luôn được xem là yếu tố quan trọng nhất để đạt được cả tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng năng suất lao động. Đổi mới sáng tạo kết hợp với công nghiệp hóa bao trùm và bền vững có thể giải phóng các lực lượng kinh tế năng động và cạnh tranh để tạo ra việc làm và tăng thu nhập. Đồng thời, các yếu tố này đóng một vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và quảng bá các công nghệ mới, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và cho phép sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
TS. Hoàng Hồng Hiệp nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học quốc tế và trong nước, các nhà quản lý, các quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo. TS mong muốn rằng Hội thảo là diễn đàn học thuật để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học quốc tế và trong nước trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá về vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp; xác định được các định hướng và giải pháp phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; từ đó đề xuất giải pháp hữu hiệu góp phần thúc đẩy phát triển vùng ở Việt Nam theo hướng nhanh và bền vững.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 140 bài viết, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các học giả trong nước và quốc tế. Hội đồng khoa học đã tiến hành tuyển chọn 75 bài đảm bảo yêu cầu chất lượng đưa vào kỷ yếu Hội thảo, trong đó 19 bài viết quốc tế; 32 bài viết được biên tập và xuất bản sách có chỉ số ISBN, một số bài khác sẽ tiếp tục được lựa chọn đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
Trong số 75 bài đăng trong kỷ yếu Hội thảo có 11 bài viết đề cập đến chủ đề nông nghiệp bền vững; 09 bài viết đánh giá thực tiễn phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và tinh thần kinh doanh bền vững; 14 bài viết trình bày về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững; 10 bài viết phân tích, đánh giá chuỗi cung ứng và logistics bền vững; 06 bài viết đề cập đến đổi mới sáng tạo bền vững; và 25 bài trình bày về một số vấn đề thực tiễn về phát triển bền vững vùng. Các nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh cụ thể và rõ nét về phát triển doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững dưới các góc độ, lăng kính, với các tiếp cận đa chiều.
Với 17 tham luận được trình bày tại 2 phiên toàn thể, 4 phiên chuyên môn theo 6 chủ đề của Hội thảo, các tham luận đã tập trung phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn về logistics; vai trò, trách nhiệm, tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp với hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững khu vực; kinh nghiệm ở một số quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp trong đổi mới mô hình kinh doanh bền vững có hiệu quả.
Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, bình luận, chia sẻ chân thành, cởi mở, thiết thực từ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn trên nhiều chiều cạnh của chủ đề Hội thảo. Đặc biệt phân tích khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp truyền thống phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay để phát triển bền vững; vấn đề cân bằng và giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa hiệu suất, hiệu quả và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững; tính minh bạch, phối hợp giữa các bên liên quan trong xây dựng chuỗi cung ứng và logistics đặt trong bối cảnh quy hoạch và phát triển bền vững Vùng.
Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho rằng một mô hình kinh doanh toàn diện, bền vững là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được đo lường bằng các chỉ số tài chính (tăng trưởng, doanh thu, lợi nhuận) với tác động xã hội, môi trường và lợi ích của các nhóm yếu thế. Ngoài ra, cần thiết phải đưa phát triển bền vững vào các chiến lược, mô hình kinh doanh, chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Những điều này sẽ tạo nên một cộng đồng tam giác vàng, bao gồm: doanh nghiệp - chính quyền - cộng đồng địa phương. Đây chính là một cách tiếp cận đôi bên cùng có lợi mà doanh nghiệp cần hướng tới trong bối cảnh hiện nay.
Thông qua hội thảo các vấn đề về học thuật, thực tiễn và kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển bền vững vùng trong bối cảnh hiện nay được trao đổi, bàn luận. Đây là các vấn đề học thuật hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động thực tiễn cho cách nhìn nhận đa chiều về vấn phát triển bền vững Vùng trong bối cảnh hiện nay. Các quan điểm trình bày trong các tham luận, các ý kiến trao đổi tại hội thảo là gợi mở thú vị và là kênh tham khảo hữu ích đối với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu tiếp theo phục vụ quá trình phát triển bền vững Vùng Trung Bộ, Việt Nam. Đồng thời thông qua hội thảo gợi mở, hứa hẹn phát sinh nhiều dự án, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn dựa trên tinh thần khoa học và trách nhiệm cao. Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn sự tham gia và những ý kiến trao đổi quý báu của các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhà quản lý; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã góp phần mang đến thành công cho Hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với quý vị đại biểu trong những Hội thảo, dự án, hợp tác nghiên cứu tiếp theo.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã có chuyến đi thực địa thú vị tại Di sản Văn Hóa thế giới Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An.
Nguyễn Hoàng Yến
Viện KHXH vùng Trung Bộ