Hội thảo vinh dự được đón tiếp sự hiện diện trực tiếp của các vị khách quý: TS. Lê Đức Viên – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng; TS. Phan Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Ngãi; TS. Đoàn Trường Thụ - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Trung – Tây Nguyên; TS. Cao Trí Dũng – Giám đốc Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng; TS. Đặng Thị Mai Trâm – Liên Hiệp hội Khoa học và Kinh tế tỉnh Quảng Ngãi; PGS.TS. Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng, trường Đại học sư phạm Đà Nẵng; TS. Lê Ngọc Quang, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng; các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý đến từ Học viện Chính trị KV III, Viện nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đến dự, viết bài và đưa tin về Hội thảo.
Tham dự hội thảo trực tuyến có: GS.TS. Băng Tâm, nguyên Hiệu trưởng và giáo sư tại Trường Kinh doanh và Kinh tế, Đại học Hawai tại Hilo, Mỹ; TS. Phạm Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện KHXH vùng Tây Nguyên; PGS. TS. Nguyễn Ngọc Khánh - nguyên nghiên cứu viên cao cấp Viện KHXH vùng Trung Bộ; cùng sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện nghiên cứu Phát triển KT-XH Đà Nẵng, Học viện chính trị khu vực III; Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Về phía Viện KHXH vùng Trung Bộ có: TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng, Tổng biên tập Tạp chí KHXH miền Trung; TS. Trần Minh Đức – Phó Viện trường – Phó Giám đốc Học viện KHXH; PGS.TS Hồ Việt Hạnh – nguyên Viện trưởng Viện KHXH vùng Trung Bộ - Tổng biên tập Tạp chí nhân lực khoa học xã hội; cùng các chuyên gia, nghiên cứu viên Viện.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà quản lý đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan Trung ương và địa phương trong Vùng. Thông qua Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 34 tham luận khoa học chất lượng để biên tập và xuất bản kỷ yếu có chỉ số ISBN. Các nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh đầy màu sắc về thực trạng và xu hướng phát triển đô thị của vùng Trung Bộ dưới nhiều góc độ, lăng kính, với các tiếp cận đa chiều.
Các tham luận được trình bày tại 2 phiên xoay quanh chủ đề chính của Hội thảo là “Phát triển đô thị ở miền Trung: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Các tham luận đã tập trung đi sâu phân tích các vấn đề cụ thể như: xu hướng đô thị hóa tập trung tại Vùng với sự bất bình đẳng về thu nhập giữa các vùng miền, thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư, giữa các ngành kinh tế; đô thị hóa với vấn đề phát thải khí nhà kính; kinh nghiệm quản lý rủi ro đô thị ở một số quốc gia và yêu cầu đối với xây dựng chính quyền đô thị tại Việt Nam.
Hội thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, bình luận, chia sẻ chân thành, cởi mở, thiết thực từ chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước trên nhiều chiều cạnh của vấn đề phát triển đô thị vùng Trung Bộ. Đặc biệt là những vấn đề tồn tại, thách thức trong quá trình phát triển đô thị của vùng, đó là: sự phát triển đô thị không đồng đều giữa các địa phương, giữa các khu vực, chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực Duyên hải phía Đông; thiếu tính định hướng và liên kết trong quy hoạch giữa các đô thị; thu hẹp không gian xanh; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của người dân; năng lực chính quyền đô thị chưa theo kịp với tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng; sự mất cân đối giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa dân số và việc làm, bất bình đẳng thu nhập gia tăng, gây áp lực về giải quyết nhu cầu nhà ở, trật tự an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường, văn hóa lối sống do quá trình đô thị hóa phát triển tự phát;…
Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho rằng cần phải tiếp cận phát triển đô thị bền vững trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường và chú trọng vai trò trung tâm bao trùm của khung thể chế pháp lý; hình thành liên kết chuỗi đô thị, liên vùng và tiểu vùng để tạo thành một hệ thống đô thị đồng bộ, với vai trò lan tỏa phát triển của một số đô thị hạt nhân; vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch và dự báo, quản lý rủi ro về thiên tai trong phát triển đô thị; sự quan tâm đủ mức cho không gian văn hóa, thực hành văn hóa trong không gian đô thị. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn cho rằng cần tập trung nâng cao thu nhập, giảm thiểu sự phân cực quá mức, bất bình đẳng thu nhập một cách tương đối giữa các nhóm cư dân, khu vực trong vùng là một định hướng quan trọng.
Thông qua hội thảo các vấn đề về học thuật, thực tiễn và kinh nghiệm về phát triển đô thị miền Trung trong bối cảnh hiện nay được trao đổi, bàn luận. Đây là các vấn đề học thuật hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và nhà hoạt động thực tiễn cho cách nhìn nhận đa chiều về vấn phát triển đô thị của Vùng. Các kết quả nghiên cứu này góp phần định hướng và đề xuất các giải pháp khả thi để phát triển đô thị bền vững ở miền Trung trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy phát triển Vùng theo hướng nhanh và bền vững. Đồng thời thông qua hội thảo những ý tưởng, định hướng nghiên cứu mới được gợi mở, hứa hẹn phát sinh nhiều dự án, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạt động thực tiễn.
Trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn dựa trên tinh thần khoa học và trách nhiệm cao, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn sự tham gia và những ý kiến trao đổi quý báu của các nhà khoa học, nhà quản lý; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình đã góp phần mang đến thành công cho Hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác với quý vị đại biểu trong những Hội thảo, dự án, hợp tác nghiên cứu tiếp theo.
Nguyễn Hoàng Yến
Viện KHXH vùng Trung Bộ