Tham dự Hội thảo, về phía Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng có: ThS. Bùi Văn Tiến, Chủ tịch Hội, đồng chủ trì Hội thảo; PGS. TS Ngô Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội. Về phía Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, có TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng, đồng chủ trì Hội thảo; TS. Hoàng Hồng Hiệp, Phó Viện Trưởng; cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học, các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương cùng toàn thể các nhà khoa học Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ.

Hội thảo đã nhận được hơn 20 tham luận tham gia hội thảo, trong đó có 13 tham luận được Ban tổ chức lựa chọn đăng kỷ yếu và 5 tham luận trong số đó đã được trình bày tại hội thảo. Các tham luận tham gia hội thảo tập trung làm rõ nhiều chiều cạnh đa dạng của phát triển kinh tế biển tại Quảng Nam Đà nẵng trên 2 phương diện: lịch sử phát triển và một số vấn đề chính trị xã hội trong bối cảnh đương đại. Tiếp cận dưới góc độ lịch sử, PGS. TS Ngô Văn Minh và TS. Lê Tiến Công nghiên cứu thành tích công vụ tuần phòng mặt biển, đánh đuổi hải tặc của người Quảng, vấn đề phòng chống cướp biển tại các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn; trong khi ThS Lê Xuân Thông sử dụng các tư liệu địa bạ để nhận diện một số vấn đề làng xã ven biển Đà Nẵng vào đầu thế kỷ XIX. Tiếp cận dưới góc độ văn hóa xã hội, ThS Tăng Chánh Tín nghiên cứu vấn đề phát triển làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô trong bối cảnh hiện nay, trong khi ThS. Ngô Thị Thu Hương đề cập đến những đặc trưng văn hóa qua từ ngữ ngư nghiệp vùng ven biển QN-ĐN.


Sau 1 buổi làm việc trong không khí cởi mở, trao đổi thẳng thắn dựa trên tinh thần khoa học và trách nhiệm cao, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và bế mạc vào lúc 11h30 cùng ngày. Ban tổ chức Hội thảo xin trân trọng cảm ơn sự tham gia và những ý kiến trao đổi quý báu của các nhà khoa học góp phần mang đến thành công cho Hội thảo.


Ban biên tập CTTĐT Viện KHXH vùng Trung Bộ
Viện KHXH vùng Trung Bộ