Hội thảo khoa học: “Tăng trưởng xanh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” tại Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ

02/12/2014

Trong khuôn khổ hợp tác về nghiên cứu, thông tin khoa học và đào tạo nguồn nhân lực giữa Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Học viện Chính trị khu vực III, sáng ngày 27 tháng 11 năm 2014, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Tăng trưởng xanh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”

Trong khuôn khổ hợp tác về nghiên cứu, thông tin khoa học và đào tạo nguồn nhân lực giữa Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Học viện Chính trị khu vực III, sáng ngày 27 tháng 11 năm 2014, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Tăng trưởng xanh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”.  Đồng chủ trì hội thảo, có TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và TS. Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III. Hội thảo vinh dự đón tiếp sự hiện diện của hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý, đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các sở ban ngành và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên, và cả nước.

 

TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và TS. Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III đồng chủ trì hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bùi Đức Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhận định: “Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi Mới, nền kinh tế Việt Nam hiện tại chủ yếu vẫn còn phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó việc phân bổ và sử dụng nguồn lực tự nhiên lại kém hiệu quả và lãng phí. Ngoài ra, tốc độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam vẫn thuộc nhóm quốc gia phát thải lớn nhất thế giới. Ô nhiễm và suy thoái môi trường đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng gây bức xúc, và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Trước bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế  - xã hội theo hướng “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững. Tái cơ cấu nền kinh tế,… Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh”. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh hiện vẫn là thuật ngữ còn khá mới cả về lý luận và thực tiễn phát triển, nhất là ở góc độ vùng và địa phương. Đây cũng là ý tưởng để Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Học viện chính trị khu vực III phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Thực tiễn và những vấn đề đặt ra”.

 

TS. Bùi Đức Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo.

 

Hội thảo đã nhận được sự tham gia của 58 bài nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước; đến từ các sở ban ngành và cộng đồng các doanh nghiệp ở các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội thảo được chia thành 2 phiên với 08 tham luận, tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Phiên 1: Một số vấn để lý luận chung về tăng trưởng xanh

Trong phiên thứ nhất, có 03 tham luận được trình bày gắn với khung lý luận về tăng trưởng xanh, gồm: tham luận “Các mô hình tăng trưởng kinh tế trên thế giới và sự tồn tại khách quan của mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay” của TS. Trần Thị Bích Hạnh, Học viện chính trị Khu vực III; tham luận “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới tăng trưởng xanh ở vùng Trung Bộ” của TS. Bùi Đức Hùng và ThS. Phạm Thị Hạnh, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; tham luận “Tiếp cận sự khác biệt GDP địa phương và cả nước, định hướng sử dụng GDP xanh đo lường kết quả sản xuất của nền kinh tế Việt Nam” của ThS. Phạm Quang Tín, Đại học kinh tế Đà Nẵng.

Phiên thứ 2: Thực trạng và giải pháp tăng trưởng xanh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Trong phiên thứ hai, có 05 tham luận được trình bày gắn với thực trạng và giải pháp tăng trưởng xanh dưới góc độ vùng và địa phương tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, gồm:  tham luận “Nhận diện mô hình tăng trưởng vùng Nam Trung Bộ trên phương diện đóng góp của các nhân tố sản xuất: Một các tiếp cận kinh tế lượng” của TS. Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ; tham luận “Phát triển công nghiệp văn hóa với tăng trưởng xanh” của PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Học viện Chính trị khu vực III; tham luân “Hướng đến tăng trưởng xanh cho thành phố Đà Nẵng” của TS. Nguyễn Phú Thái và ThS. Quách Thị Xuân, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng; tham luận “Xây dựng khả năng thích ứng cho thành phố Hội An, Quảng Nam thông qua khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” của TS. Chu Mạnh Trinh, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam; tham luận “ Sản phẩm giảm khí thải Carbon cho hộ nghèo” của ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc DNXH Solar Serve.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III tổng hợp các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, đồng thời một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong bối cảnh CNH-HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Văn Lý cũng nhấn mạnh, đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi các hoạt động nhằm hiện thực hóa Bản thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, thông tin khoa học và đào tạo nguồn nhân lực được ký kết giữa Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Học viện Chính trị khu vực III, là cơ sở tiền đề thúc đẩy những hoạt động hợp tác tiếp theo giữa hai cơ quan trong thời gian tới. Cuối cùng, thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Lý đã trân trọng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe đến toàn thể các đại biểu về tham dự Hội thảo.

 

 

TS. Nguyễn Văn Lý phát biểu bế mạc Hội thảo


Ban biên tập CTTĐT Viện KHXH vùng Trung Bộ


Các tin đã đưa ngày: