Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật năm 2011

20/03/2011

Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật năm 2011 Ngày 28 tháng 2 năm 2011, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2011 để tổng kết, đánh giá hoạt động trong năm 2010 và bàn phương hướng hoạt động năm 2011.

Tham dự Hội nghị có các cộng tác viên và các đại biểu đến từ: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Học viện Tư pháp, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp…

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Tổng Biên tập, trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2010 và phương hướng hoạt động năm 2011 của Tạp chí. Trong năm 2010, Tạp chí đã ra đủ 12 kỳ với 135 bài, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Lịch sử nhà nước và pháp luật, lý luận nhà nước và pháp luật, luật Hiến pháp, luật Hành chính; luật Kinh tế, luật Tài chính, luật Lao động, luật Đất đai, luật Môi trường, luật Dân sự, luật Tố tụng Dân sự, luật Hình sự, luật Tố tụng Hình sự và Tội phạm học; luật Quốc tế; lĩnh vực quyền con người; đóng góp ý kiến cho các dự án luật. Trong chừng mực nhất định, tạp chí còn là kênh thông tin, đăng tải các sản phẩm thuộc các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ do Viện Nhà nước và Pháp luật và một số cơ sở nghiên cứu khác chủ trì.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm 2011 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nhà nước và Pháp luật, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của khoa học pháp lý, báo cáo đưa ra định hướng công bố các bài viết trên Tạp chí trong năm 2011 tập trung vào các chủ đề:

- Sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992: Nhu cầu, quan điểm, nội dung;

- Tổ chức và  kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước;

- Những vấn đề pháp lý về phát triển bền vững của quốc gia;

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước;  

- Kinh nghiệm tổ chức bộ máy nhà nước và xây dựng pháp luật của các nước trên thế giới;

- Đóng góp ý kiến cho các dự án luật, pháp lệnh (theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội);

- Thực tiễn pháp lý;

- Giới thiệu công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo về nhà nước và pháp luật.

Hội nghị đã nghe các ý kiến thảo luận và đóng góp của các nhà khoa học, tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:

- Tạp chí Nhà nước và Pháp luật phải đổi mới để xứng đáng là một tạp chí của những ý tưởng khoa học, lý luận về nhà nước và pháp luật; Tạp chí cần đóng góp vào việc đổi mới tư duy về pháp lý, cung cấp cho độc giả những tri thức mới về nhà nước và pháp luật.

- Tạp chí cần tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên tiêu biểu cho giới luật học của cả nước thông qua nhiều hình thức như tổ chức tọa đàm khoa học, nêu chủ đề thảo luận, tranh luận; giới thiệu những thành tựu nghiên cứu nổi bật của giới luật học.

- Tạp chí cần cải tiến công tác hoạt động trị sự - biên tập theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho đội ngũ cộng tác viên từ khâu nhận bài, thông báo về kế hoạch đăng bài đến khâu trả nhuận bút và tạp chí biếu.

Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật đã cảm ơn các vị đại biểu, các cộng tác viên và khẳng định việc tiếp thu ý kiến đóng góp để nâng cao hơn nữa chất lượng của Tạp chí nhằm giữ vững được vai trò là diễn đàn khoa học của giới luật học Việt Nam, đáp ứng được các yêu cầu và sự mong đợi của các đại biểu, các cộng tác viên, các cơ quan, tổ chức đối với Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.

                                                                                                                              Minh Thuỷ

(Theo: isl.gov.vn)


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: