Hội nghị năm nay được chia thành 5 phiên làm việc cụ thể như sau:
Phiên 1: Các vấn đề chung (9 tham luận).
Phiên 2: Văn hoá gia đình, làng xã (11 tham luận).
Phiên 3: Văn học dân gian (8 tham luận).
Phiên 4: Tôn giáo – Tín ngưỡng (15 tham luận).
Phiên 5: Nghệ thuật – Tri thức (12 tham luận).
Chiếm ưu thế trong các vấn đề mà Hội nghị tập trung thảo luận năm nay là các vấn đề nghiên cứu văn hoá đương đại như: Văn hoá tiêu dùng ở Việt Nam; Văn hoá đô thị; Hành trình tìm lại vị thế gia đình truyền thống ở người lập nghiệp xa quê của tiểu vùng văn hoá xứ Bắc (Trường hợp xã Ninh Hiệp, Huyện Gia lâm, Hà Nội); Không gian sống, lối sống và quan hệ gia đình vùng ven đô; Một vài đặc trưng cơ bản của truyện cười trong chương trình tiếng Việt ở bậc tiểu học; Truyện cười - liều “thuốc bổ” của quá trình dạy học ở tiểu học; Nghiên cứu những ảnh hưởng của phim Hàn Quốc đối với sinh viên; Một số vấn đề cần được quan tâm từ những cuộc thi vẽ thiếu nhi…
Một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu là bàn về văn hóa quản lý, hành chính. Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị GS.TS. Nguyễn Xuân Kính cho rằng: nói đến văn hóa quản lý, hành chính là nói đến tính chuyên nghiệp. Chừng nào văn hóa hành chính còn có hạn chế, thậm chí sai sót thì khi đó tính nghiệp dư, đại khái, tùy tiện còn ngự trị. Hiện nay, chúng ta còn có quá nhiều thiếu sót, yếu kém về văn hóa quản lý, hành chính và đó là một trong những thách thức mà chúng ta cần phải giải quyết khi đất nước đang trong lộ trình hội nhập với thế giới…
Với tiêu chí khoa học “đồng hành cùng đất nước”, Hội nghị Thông báo văn hóa năm 2011 đã bám sát vào bối cảnh văn hoá – xã hội hiện đại và đi sâu luận giải dưới nhiều góc độ nghiên cứu nhiều vấn đề được coi là thời sự “nóng bỏng” trong văn hoá xã hội.
Phạm Vĩnh Hà