Đây là kết quả hợp tác giữa Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) với tài trợ của Quỹ Ford, Đại học Columbia (Hoa Kỳ) và Cục Phòng chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế Việt Nam.
Với việc tổ chức cuộc trưng bày này, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế cộng đồng thể hiện trách nhiệm xã hội của mình trong công cuộc đối phó với dịch HIV/AIDS. Có thể coi đây như một hình thức tạo bối cảnh nhằm khuyến khích thảo luận rộng rãi trong xã hội về HIV/AIDS và những vấn đề liên quan; tạo cơ hội cho những người sống chung với HIV/AIDS và những người làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn; đồng thời đây cũng là dịp nhìn nhận lại những nỗ lực của cộng đồng những người chung sống với HIV/AIDS, của Chính phủ cũng như của toàn xã hội trong việc ứng phó với dịch HIV/AIDS 20 năm qua.
Thông qua những tư liệu, hiện vật, hình ảnh và giọng nói của những người trong cuộc, bao gồm những người sống chung với HIV/AIDS, những cán bộ y tế, truyền thông, nhà quản lý, những người làm công tác xã hội từ thiện, tổ chức tôn giáo, nhà khoa học và cộng đồng, tất cả được kết nối thành lộ trình trưng bày, dẫn dắt công chúng theo những cảm xúc khác nhau được chia sẻ bởi chính những người “trong cuộc”, mong muốn công chúng hiểu được:
1. HIV/AIDS là một trong những bệnh dịch mà ai cũng có thể mắc phải. Trong 20 năm qua, HIV/AIDS đã gây nên những nỗi đau và mất mát lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống xã hội của Việt Nam.
2. Từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện đến nay, những người sống chung với HIV/AIDS cùng với gia đình và cộng đồng đã nỗ lực vượt lên những mất mát và nỗi sợ hãi để chung tay, chung sức ngăn chặn đại dịch này.
3. Với tiến bộ về y học và sự thay đổi ngày càng tích cực của xã hội, công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam và cuộc sống của người sống chung với HIV/AIDS ngày càng được cải thiện.
4. Vẫn còn nhiều thách thức phía trước, đó là: sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và các hành vi liên quan; chưa có thuốc chữa hoặc vaccin phòng ngừa; các điều kiện chăm sóc y tế, xã hội tuy cũng rất quan trọng với người nhiễm HIV/AIDS nhưng còn hạn chế…
Trong thời gian mở cửa trưng bày “Nỗi đau và Hy vọng - 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam”, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và sự kiện liên quan dành cho du khách, đặc biệt là giới trẻ, thông qua “trải nghiệm” ngay tại các không gian trưng bày hoặc tham gia các hoạt động khác để hiểu sâu sắc hơn về HIV/AIDS ở Việt Nam.
Cuộc trưng bày này là 1 trong 10 sự kiện cấp quốc gia được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân dịp 20 năm ngày phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên HIV/AIDS được tiếp cận dưới góc độ bảo tàng học và văn hóa học, là trưng bày bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam về HIV/AIDS.
Phạm Vĩnh Hà
nguyenvu