Chúng tôi rất vinh dự được là thành viên tham gia đoàn công tác đi thăm cán bộ, chiến sỹ đang công tác tại Quần đảo Trường Sa và thăm nhân dân của Huyện đảo Trường Sa. Với tinh thần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đoàn thể giao cho, có cả chút riêng tư đó là sự háo hức, là vinh dự tự hào được đi thăm nơi tiền tiêu của Tổ quốc, đoàn chúng tôi mang cả ý thức, cả tình cảm về tinh thần và vật chất của cán bộ, viên chức nói chung, của Công đoàn, Đoàn Thanh niên CS HCM Viện Khoa học xã hội Việt Nam nói riêng đến với đồng bào và chiến sỹ nơi Huyện đảo Trường Sa. Ngoài quà bằng tiền và hiện vật như các đoàn khác cho tất cả các đảo và nhà giàn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam còn có quà rất riêng là 2 tủ sách về luật pháp, về kinh tế – văn hóa – xã hội và về khoa học xã hội. Tủ mang từ đất liền ra, mua bằng tiền quyên góp và sách của các đơn vị ủng hộ, đặc biệt là sách của Nhà xuất bản Từ diển bách khoa và Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam gửi tặng. Hai tủ sách của Viện Khoa học xã hội Việt Nam được đặt tại Đảo Trường Sa lớn.
Đoàn chúng tôi xuất phát từ Hà Nội chiều ngày 02/4/2011, hành trang mang theo của cả đoàn là gần 2 tạ sách và tư trang cá nhân rất gọn nhẹ. Đoàn được Ban Chính sách vùng 4 Hải Quân đón tiếp rất tận tình, chu đáo, được nghe báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của vùng biển và hải đảo nói chung, của huyện Đảo Trường Sa nói riêng; được nghe dự kiến lịch trình của chuyến đi, thông báo các vấn đề quy định về an ninh, an toàn; phổ biến về công tác chuẩn bị quân, tư trang cá nhân cho chuyến sinh hoạt đi biển...
Quần đảo Trường Sa có 9 đảo nổi, trong đó 3 đảo cấp I (có dân), 6 đảo cấp II (không có dân), trên 20 đảo chìm (đảo tự nhiên thì luôn chìm dưới mặt nước, chỉ nhô khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống) và các nhà giàn. Đoàn chúng tôi được thăm 11 điểm (trong đó có 1 đảo cấp I, 3 đảo cấp II, 6 đảo chìm và 1 nhà giàn DK1).
18h ngày 03/4/2011 tàu HQ 996 đưa đoàn rời bến Quân cảng Cam Ranh, sau khoảng 40 tiếng trên biển đến 6h ngày 05 tàu cập cảng của đảo Trường Sa lớn (Đảo nổi cấp I), cả đoàn được cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo đón tiếp rất tình cảm, chu đáo, được nghe báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đảo, được tham quan chỗ ăn ở, thăm doanh trại của cán bộ, chiến sỹ, thăm nhà dân. Đoàn đã tổ chức tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Cũng nhân dịp này chúng tôi đã được tham dự buổi lễ kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Trường Sa do Đảo Trường Sa lớn tổ chức. Tiếp theo, đoàn trở về tàu để đi thăm các điểm còn lại.
Suốt hành trình 12 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi như các chiến sỹ thực thụ: 5h toàn tàu báo thức, 5h30 toàn tàu ăn sáng, 6h xuống xuồng đi thăm đảo, 11h về ăn trưa, 14h xuống xuồng đi thăm đảo, 17h về ăn tối, sau đó các tổ trưởng đi giao ban về phổ biến kế hoạch ngày hôm sau cho anh, chị em trong tổ và đến 21h ăn bữa phụ (cháo hoặc mỳ tôm). Các bữa ăn được tổ hậu cần của tàu chăm lo chu đáo. Trước khi thăm điểm cuối cùng Nhà giàn DK1, chúng tôi được tham gia buổi lễ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trên biển để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thật cảm động, nhiều anh chị em trong đoàn không sao cầm được nước mắt khi được nghe tiểu sử và hoàn cảnh hy sinh của các anh. Rời DK1, hơn 50 tiếng sau chúng tôi đến Quân cảng Vũng Tàu và được các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tới thăm và chào mừng Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Đoàn trở về Thành phố Hồ Chí Minh và được Quân khu 7 đón tiếp nồng nhiệt trước khi chia tay.
Sau 12 ngày lênh đênh trên sóng nước, 12 ngày không tiêu đến tiền, 12 ngày thường xuyên không được nghe điện thoại (không có sóng trừ những lúc lên đảo), 12 ngày luôn đi theo kiểu sàng gạo, 12 ngày thật cảm động và ý nghĩa, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ sau chuyến đi. Các thành viên trong đoàn đều chấp hành nghiêm chỉnh những quy định và nội quy của đoàn công tác, kỷ luật về giờ giấc sinh hoạt, lên xuống tàu, lên xuống đảo, kỷ luật hành quân, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe. Các thành viên của đoàn Viện Khoa học xã hội Việt Nam đều tích cực tham gia các hoạt động chung của đoàn như thăm hỏi, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các Đảo. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn còn tham gia giúp đỡ tổ hậu cần trên Tàu HQ 996, giao lưu, chia sẻ với cán bộ, chiến sỹ thuỷ thủ Tàu HQ 996. Đặc biệt một số thành viên như Phạm Thanh Tịnh đã tích cực tham gia các hoạt động báo chí, ghi lại những hoạt động của đoàn và đời sống của chiến sĩ, nhân dân trên đảo, Rơđăm Thị Bích Ngọc tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ của Đoàn công tác và để lại tình cảm, ấn tượng tốt với các chiến sĩ.
Trở về đất liền tất cả chúng tôi đều có chung cảm nhận cũng như những nhận xét, đánh giá về chuyến công tác. Chuyến thăm, làm việc của đoàn công tác với huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã đạt được mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của đơn vị đề ra. Chuyến đi đã làm cho các thành viên trong đoàn hiểu rõ hơn, thực tế hơn về môi trường, cảnh quan, con người và nhiệm vụ trọng đại của Huyện đảo đối với biển và hải đảo của Tổ quốc. Hiểu rõ hơn về những vất vả, khó khăn của quân và dân trên huyện đảo, giúp cho mọi người có ý thức hơn nữa về việc tuyên truyền những vấn đề liên quan đến biển và hải đảo; có trách nhiệm hơn nữa trong công tác xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa vững mạnh hơn, giữ vững chủ quyền của đất nước.
Trường Sa hôm nay đã có các công trình kiến trúc văn hóa mới mang lại điểm tựa tinh thần vững chắc cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Các công trình phục vụ cuộc sống sinh hoạt, học tập và công tác của cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã và đang bước đầu phát triển. Trường Sa đã được phủ sóng truyền hình, điện thoại. Qua chuyến công tác cả đoàn nhận thấy về công tác tư tưởng huyện đảo đã làm rất tốt. Cán bộ chiến sĩ và người dân của huyện đảo an tâm, phấn khởi công tác. Ý chí và khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội rất cao. Quân dân đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng huyện đảo và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Kết thúc chuyến đi các thành viên trong đoàn Viện KHXHVN được tặng huy hiệu chiến sỹ Trường Sa, trong đó đồng chí Hoàng Thị Hiền được tặng kỷ niệm chương, 2 đồng chí được biểu dương toàn đoàn là Phạm Thanh Tịnh, nghiên cứu viên chính (kiêm phóng viên nhiếp ảnh) Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Rơđăm Thị Bích Ngọc, nghiên cứu viên (kiêm ca sỹ) Viện Tâm lý học.
TM. Đoàn công tác của Viện KHXH Việt Nam
Trưởng đoàn
Hoàng Thị Hiền
nguyenvu