Gặp mặt, giao lưu với giáo sư Ivo Vasiljev - tiến sĩ ngôn ngữ học người Czech

01/12/2011

Gặp mặt, giao lưu với giáo sư Ivo Vasiljev - tiến sĩ ngôn ngữ học người Czech Chiều 23/11/2011, nhận lời mời của Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, GS. Ivo Vasiljev đã có buổi gặp mặt, giao lưu với trí thức, văn nghệ sĩ và nhà báo tại hội trường tầng 2 Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, các nhà khoa học trẻ đến từ nhiều đơn vị trực thuộc của Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng tham dự buổi giao lưu này.

GS. Ivo Vasiljev là một nhà nghiên cứu văn hoá và ngôn ngữ Việt Nam có tên tuổi. Ông đã từng dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch và nhiều tác phẩm văn học, thơ Việt Nam sang tiếng Czech để giới thiệu đất nước và con người Việt Nam không chỉ với Cộng hòa Czech quê hương ông mà còn ra nhiều nước trên thế giới. Nhân hội thảo về Phật hoàng Trần Nhân Tông do Liên hiệp các hội UNESCO sắp diễn ra tại Hà Nội, GS. Ivo Vasiljev đã có mặt tại Hà Nội từ 23/11 đến 1/12/2011. Buổi gặp mặt và giao lưu nói trên là món quà đặc biệt mà Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam và bản thân Giáo sư muốn dành tặng cho những trí thức trẻ, đặc biệt là người đang nghiên cứu về văn hóa – xã hội, các nhà báo hiện đang công tác tại các đơn vị trên địa bàn Hà Nội.

Giáo sư Ivo Vasiljev sinh năm 1935 tại Praha (Cộng Hòa Czech), là tiến sĩ ngôn ngữ học. Ông là người đầu tiên dịch Nhật ký trong tù ra tiếng Czech (xuất bản năm 1985), là tác giả cuốn Tìm di sản văn hóa của người Việt cổ (xuất bản năm 1999), tham gia trực tiếp công trình khai quật nghiên cứu tàu đắm cổ tại vùng biển Cù lao Chàm, dự án Nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Czech, cộng tác với làng nghề Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, chuẩn bị thực hiện cuốn Từ điển giáo hóa Czech – Việt và Việt – Czech

Với giới nghiên cứu nói chung và với giới nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ nói riêng, vị giáo sư tuổi 76 tuổi đến từ Cộng hòa Czech này luôn là một nhà khoa học được yêu mến, ngưỡng mộ bởi sức cống hiến mãnh liệt cho khoa học ngôn ngữ, ông là người đã đi vòng quanh trái đất 12 lần và có số lần đến Việt Nam lên tới 50 lần do đó với ông Việt Nam như là ngôi nhà thứ hai mà ông từng sống, ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ mà ông có thể sử dụng hàng ngày như một người Việt Nam bản xứ.

Chia sẻ những kỷ niệm thú vị về việc tìm hiểu ngôn ngữ tại Việt Nam, giáo sư cho hay ông bắt đầu học tiếng Việt từ năm năm 1959 với một thầy người Việt tại Tiệp Khắc, kỷ niệm mà giáo sư nhớ nhất là thầy đã rất kiên trì với việc giảng cho giáo sư trong việc luyện cách phát âm, hồi mới tiếp cận ngôn ngữ Việt việc phát âm với giáo sư là cả một thách thức lớn tưởng chừng không vượt qua nổi, giáo sư cũng cho rằng tiếng Việt cũng rất khó với người nước ngoài trong việc phân biệt những từ đồng âm khác nghĩa ví dụ như giáo sư phải giải thích mãi cho hai cậu ấy học trò học tiếng Việt để họ hiểu được chữ “lòng” trong câu “Không có việc gì khó / chỉ sợ lòng không bền” là “tấm lòng” chứ không phải… “cháo lòng”. Giáo sư cho biết thêm nhờ tiếng Việt, văn hóa Việt mà giáo sư có cơ hội được gặp gỡ những người Việt Nam nhiều thế hệ suốt nửa thế kỷ qua và giáo sư coi đó là những cơ duyên tuyệt vời trong cuộc đời ông.

Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khí ấm áp và để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng trí thức trẻ Hà Nội.

 

                                                        Hà Vĩnh


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: