Bàn giao - tiếp nhận Khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long

29/12/2011

Bàn giao - tiếp nhận Khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long Ngày 28 tháng 12 năm 2011, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức bàn giao – tiếp nhận Khu di tích khảo cổ học (khu A – B) Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, Hà Nội dưới sự chứng kiến của đại diện hai bên, các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, văn hóa và đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành.

Kết quả khai quật khu di tích trong những năm qua cho thấy đây là một khu di sản có giá trị lịch sử - văn hóa quý giá của dân tộc trong suốt 1.300 năm xây dựng và phát triển, trải qua thời Đại La và các triều đại Đinh – Lê – Lý, Trần – Lê – Nguyễn cho đến thời cận hiện đại. Việc nghiên cứu khảo cổ học bước đầu cho thấy sự phát lộ di tích và di vật phản ánh sự sáng tạo của các thế hệ người Việt Nam và sự giao lưu, tiếp xúc với tinh hoa văn hóa thế giới tạo nên một nền văn minh Đại Việt phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc. Theo PGS.TS. Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học: Nhận thức về những phát hiện của khảo cổ học tại khu A – B của khu di tích Hoàng thành Thăng Long mới chỉ là bước đầu cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cơ bản nền móng của các công trình và những dạng kiến trúc khác nhau cùng với các công trình liên quan. Kỹ thuật xây dựng, quy hoạch mặt bằng, sự phân kỳ các giai đoạn lịch sử, mối quan hệ về thời gian và trong không gian quy hoạch đô thị để tiến tới đánh giá về hình thái kiến trúc đó… đang và sẽ là những vấn đề khó, cần đầu tư nghiên cứu lâu dài và có nhiều kinh nghiệm và tri thức khoa học cao.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Tính từ khi khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long vào năm 2002, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã mời nhiều chuyên gia giỏi của các ngành khoa học vào cuộc đánh giá giá trị văn hóa - lịch sử của khu di tích, lập phương án phát lộ và phương án bảo tồn lâu dài. Viện Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã lập đề án tổng thể khu công viên di tích lịch sử, bao gồm khu di tích Hoàng thành và các khu vực lân cận để bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử vô tận này. Trong khi chờ đợi một phương án tổng thể, các cơ quan chuyên môn của Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để bảo tồn giá trị của các di tích đã được khai quật. Vào thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hơn 900 hiện vật của khu di tích cũng đã được đưa ra trưng bày tại Thành cổ Hà Nội, nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo nhân dân Việt Nam và du khách quốc tế. Việc bàn giao trách nhiệm quản lý khu di tích cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội để thống nhất quản lý  di tích đồng thời để có thể phát huy được các giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Sau khi bàn giao, Viện Khoa học xã hội sẽ tiếp tục chỉ đạo Viện Khảo cổ học và các cơ quan hữu quan phối hợp với các cơ quan của Hà Nội trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị của khu di tích.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã cảm ơn và đánh giá cao những đóng góp của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đặc biệt của Viện Khảo cổ học và các nhà khoa học đã trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị lên tổ chức UNESCO công nhận di tích này. Ông đề nghị Viện Khoa học xã hội Việt Nam chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thuộc Viện tiếp tục giúp đỡ phía thành phố và Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, các cơ quan tiếp nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi đây là một công việc đòi hỏi chuyên môn nghiệp vụ hết sức cao, nếu chỉ có phía thành phố thì không thể làm tốt được.


 

Nguyễn Thu Hà

 


nguyenvu


Các tin đã đưa ngày: