Tham dự buổi lễ có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Trần Đức Cường, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Khoa học xã hội Việt Nam; GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS. Hoàng Xuân Chinh, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành; lãnh đạo Viện Khảo cổ học và các viện nghiên cứu chuyên ngành, các ban chức năng thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện lãnh đạo Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ; đại diện các bộ, ngành, tỉnh thành và các trường đại học trong cả nước…
Trước yêu cầu phát triển của ngành Khảo cổ học đô thị Việt Nam và nhiệm vụ chiến lược chung của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 28/04/2011, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã chính thức thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tiền thân của Trung tâm là Ban chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long thuộc Viện Khảo cổ học, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, là một tổ chức nghiên cứu khoa học chuyên sâu và toàn diện về khảo cổ học đô thị và các vấn đề lịch sử, văn hóa các di tích kinh thành cổ của Việt Nam trong lịch sử.
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành có 6 phòng ban chuyên môn: Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Nghiên cứu Nghệ thuật Kiến trúc, Phòng Nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa, Phòng Khoa học bảo tồn, Phòng Kĩ thuật công nghệ và Phòng Quản lý tư liệu. Hiện Trung tâm đã có 18 cán bộ, trong đó có 03 tiến sĩ, 01 thạc sĩ.
Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ: Điều tra, nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử, văn hóa gắn liền với công tác bảo quản di vật, bảo tồn di tích khảo cổ học; Kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khảo cổ học đô thị, bảo quản di vật, bảo tồn di tích khảo cổ học; Cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Kế thừa những thành quả và kinh nghiệm của Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long, sau khi được thành lập, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã được Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ tiếp tục tổ chức thực hiện Dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Trong 08 tháng đi vào hoạt động, Trung tâm đã từng bước ổn định cơ cấu tổ chức, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chủ động triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và các điều kiện cho công tác bàn giao di tích khu A-B Hoàng thành Thăng Long cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chính thức quản lý vào ngày 28/12/2011 vừa qua. Đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của Dự án Chỉnh lý năm 2011 với 04 nội dung lớn: Hoàn thành công tác khai quật, nghiên cứu đánh giá giá trị di tích; Hoàn thành công tác nghiên cứu, chỉnh lý di vật; Hoàn thành công tác lập hồ sơ khoa học về di tích, di vật; Thực hiện tốt công tác bảo vệ, bảo tồn cấp thiết di tích, di vật của khu di tích và công tác mở cửa phục vụ khách tham quan di tích. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện nghiên cứu xây dựng nội dung và tổ chức thiết kế trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Đây là nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Những kết quả trên đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm xã hội và những thành quả, những đóng góp quan trọng của Viện Khoa học xã hội Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá giá trị khoa học mà cả trong lĩnh vực bảo vệ, bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long trong suốt gần 10 năm qua.
Nguyễn Vũ
nguyenvu