Nội dung:
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổng quan: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2011-2020”. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về quyền tư pháp; thực trạng quy định của pháp luật và thực thi quyền tư pháp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất quan điểm và các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quyền tư pháp trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước và trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài PGS.TS. Nguyễn Đức Minh. Đề tài thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổng quan: tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2011-2020”. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về quyền tư pháp; thực trạng quy định của pháp luật và thực thi quyền tư pháp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất quan điểm và các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quyền tư pháp trong cơ chế thực thi quyền lực nhà nước và trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong phần nghiên cứu lý luận, đề tài tập trung giải quyết các câu hỏi: trên thế giới và ở Việt Nam quyền tư pháp được hiểu và nhận thức như thế nào? Nhận thức về quyền tư pháp và việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp ở Việt Nam đã phản ánh, thể hiện những giá trị phổ biến nào của quyền tư pháp và tính đặc thù của quyền tư pháp trong điều kiện của Nhà nước pháp quyền Việt Nam? Ngoài ra, đề tài đã phác họa chức năng, nhiệm vụ và phương thức thực hiện quyền tư pháp. Ở đó, đề tài đã kế thừa kết quả nghiên cứu lý luận về hệ thống tư pháp, cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp.
Một nội dung trọng tâm khác của đề tài là đánh giá việc tổ chức thực hiện quyền tư pháp trên cả hai phương diện: cơ sở pháp lý tổ chức quyền tư pháp và thực tiễn thực hiện quyền tư pháp. Ở đó, các mặt cắt, các khía cạnh, phương diện khác nhau của việc thực thi quyền tư pháp đã được đánh giá như: thực trạng pháp luật về quyền tư pháp; vị trí và vai trò thực tế của quyền tư pháp trong mối quan hệ với quyền lập pháp và quyền hành pháp; thực trạng thủ tục thực thi quyền tư pháp; tổ chức thực hiện quyền tư pháp trong mối quan hệ với bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân; thực tiễn tổ chức thực hiện quyền tư pháp từ phương diện tổ chức bộ máy; cải cách tư pháp để tăng vị thế của quyền tư pháp; giám sát quyền tư pháp từ phương diện quyền lực nhà nước và từ phía xã hội; giám sát của quyền tư pháp đối với các bộ phận quyền lực khác; lực lượng thực thi quyền tư pháp; ý thức pháp luật của đội ngũ thực thi quyền tư pháp, của công chức, viên chức nhà nước và người dân về quyền tư pháp.
Như là kết quả nghiên cứu phục vụ cho hoạt động hoạch định đường lối, chính sách, nghiên cứu và đào tạo, đề tài đã xây dựng được 9 quan điểm, 4 mô hình và 5 giải pháp tổ chức thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam giai đoạn 2011-2020.