Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dần trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế. FDI mang trên mình những sứ mệnh quan trọng như: bù đắp sự thiếu hụt về nguồn ngoại tệ của các nước nhận đầu tư, gia tăng năng lực công nghệ của nước chủ nhà, tạo việc làm giúp tăng thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề xã hội.... Đặc biệt, FDI là nguồn lực hết sức quan trọng trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển, các quốc gia mới nổi và các quốc gia đang chuyển đổi. Tuy nhiên, thu hút FDI không là vấn đề tự thân, mà thực tế sự phân bổ FDI là không giống nhau giữa các quốc gia, giữa các các địa phương bên trong của mỗi quốc gia. Đặc trưng quốc gia, cơ chế chính sách quốc gia, bối cảnh quốc tế và những đặc trưng riêng có của mỗi địa phương, mỗi vùng là những nhân tố có ảnh hưởng quan trọng đến thu hút và phân bổ dòng vốn FDI.
Được biết đến là quốc gia có nhiều thế mạnh trong thu hút FDI và là điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế nhưng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với với sự phân bổ FDI không đồng đều giữa các vùng, các địa phương, cá biệt có một số tỉnh nghèo nhiều năm liền không thu hút được FDI. Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, vùng Nam Trung Bộ có nhiều ưu thế vượt trội so với các địa phương khác trong phát triển kinh tế biển, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế cũng như có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh thu hút dòng vốn FDI, song thực tế vùng vẫn chưa trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 4,76% tổng số dự án và 7,35 tổng vốn đăng ký cả nước (số liệu tính đến tháng 12/2018). Điều này cho thấy lượng vốn FDI chảy vào vùng Nam Trung Bộ còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng với tư cách là vùng kinh tế động lực cho miền Trung và Tây Nguyên
Để vùng Nam Trung Bộ thực sự trở thành điểm sáng của cả nước trong thu hút FDI phục vụ phát triển kinh tế vùng, đòi hỏi cần có công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu, phân tích bài bản và đánh giá định tính, định lượng về thực trạng thu hút FDI, nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bổ FDI nội vùng. Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản khoa học xã hội xuất bản cuốn sách chuyên khảo: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng Nam Trung Bộ: Những nhân tố và sự phân bổ không gian” do TS. Hoàng Hồng Hiệp làm chủ biên. Cuốn sách tập trung nghiên cứu về thực trạng thu hút dòng vốn FDI vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua, lượng hóa những nhân tố ảnh hưởng đến sự phân bổ FDI giữa các tỉnh vùng Nam Trung Bộ, từ đó nhận diện xác thực bản chất, xu hướng vận động của dòng vốn FDI vào vùng, đồng thời cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng (cả định tính lẫn định lượng) cho việc đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh thu hút FDI vào vùng, từ đó tối đa hóa đóng góp của FDI đối với phát triển kinh tế vùng và của cả nước. Đặc biệt, công trình nghiên cứu này đã cập nhật và mở rộng một số tiếp cận lý thuyết mới về sự định vị của dòng vốn FDI; sử dụng những mô hình kinh tế lượng không gian (spatial econometrics) để phân tích các nhân tố tác động đến thu hút FDI vào vùng Nam Trung Bộ. Việc ứng dụng các mô hình kinh tế lượng không gian đã góp phần luận giải được ảnh hưởng của sự tương tác giữa các địa phương nội vùng trong thu hút FDI, điều mà các phương pháp kinh tế lượng truyền thống không thực hiện được.
Ngoài Lời nói đầu và phần Kết luận, cuốn sách được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lý luận về những nhân tố ảnh hưởng đến sự định vị của đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trên cơ sở tiếp cận lý thuyết về sự định vị của đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm: (i) Lý thuyết truyền thống về sự định vị FDI- một tiếp cận song phương; (ii) Lý thuyết về sự định vị FDI gắn với sự tương tác không gian- một tiếp cận đa phương, nhóm nghiên cứu tập trung xây dựng khung phân tích sự tương tác không gian trong thu hút FDI giữa các địa phương bên trong một quốc gia và khung phân tích 7 nhóm nhân tố tác động đến thu hút FDI vào các địa phương bên trong một quốc gia. Trong đó, nhóm các nhân tố về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên là những nhân tố đặc trưng riêng có của mỗi địa phương, nó có tác động nhiều đến tính sinh lãi hoặc tính rủi ro; hay nhóm các nhân tố về các yếu tố đầu vào của sản xuất như nguồn lực, lao động giá rẻ là một trong số những lợi thế so sánh quan trọng giúp địa phương đẩy mạnh thu hút vốn FDI. Qua việc tiếp cận những cơ sở lý luận nhóm nghiên cứu xây dựng các mô hình kinh tế lượng phù hợp nhằm ước lượng các nhân tố tác động đến thu hút FDI vào các địa phương vùng Nam Trung Bộ.
Chương 2. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự định vị FDI tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ
Qua phân tích thực trạng FDI tại vùng Nam Trung Bộ, nhóm nghiên cứu đưa ra một số nhận định sau: (i) Dòng vốn FDI vào vùng Nam Trung Bộ còn khá khiêm tốn cả về số dự án và quy mô vốn đầu tư; (ii) Sự phân bố dòng FDI giữa các địa phương trong vùng là không đồng đều; (iii) Số lượng các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới được cấp phép đầu tư tại vùng Nam Trung Bộ khá đa dạng; (iv) FDI vào vùng Nam Trung Bộ chủ yếu tập trung vào khu vực công nghiệp – xây dựng, dịch vụ du lịch; (v) Các khu kinh tế ven biển đóng vai trò quan trọng trong thu hút FDI vào vùng Nam Trung Bộ. Đặc biệt, nhóm tác giả đã phân tích và lượng hóa được tác động của FDI đối với phát triển kinh tế vùng Nam Trung Bộ trong thời gian qua và khẳng định FDI có tác động khá hạn chế, mờ nhạt đến tăng trưởng và phát triển kinh tế vùng Nam Trung Bộ cũng như đến kích hoạt các nguồn vốn đầu tư nội địa đóng góp cho tăng trưởng kinh tế vùng. Sử dụng các mô hình kinh tế lượng không gian (spatial econometrics), nghiên cứu đã lượng hóa được các nhân tố ảnh hưởng đến sự định vị FDI tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng, dòng vốn FDI vào các tỉnh vùng Nam Trung Bộ bị thu hút với các nhân tố như: chi phí lao động giá rẻ, sức mạnh thiết chế pháp lý và mức độ đảm bảo an toàn xã hội. Đặc biệt, các kết quả ước lượng tương tác không gian cho thấy, các nhà đầu tư FDI sẵn sàng thiết lập hoạt động sản xuất của mình tại tỉnh có lực lượng lao động không kỹ năng nhưng giá rẻ để tối thiểu hóa chi phí sản xuất, lao động có kỹ năng có thể được tuyển dụng từ các tỉnh lân cận. Từ các kết quả nghiên cứu định lượng trên, nghiên cứu đã rút ra một số hàm ý chính sách quan trọng trong thu hút FDI vào vùng. Trong phần cuối của chương này, dựa vào những phân tích định tính và định lượng, nhóm nghiên cứu đã bước đầu đánh giá những thành công và hạn chế trong thu hút FDI tại vùng Nam Trung Bộ.
Chương 3. Quan điểm, giải pháp thu hút FDI vào vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới
Tập trung phân tích và nhận diện về xu hướng vận động của dòng vốn FDI trên thế giới và khu vực trên một số phương diện như: quy mô vốn, xuất xứ và ngành nghề FDI. Tìm hiểu về mối quan hệ giữa FDI, chất lượng thể chế và phát triển bền vững đối với trường hợp các quốc gia đang phát triển ở châu Á, nhóm tác giả khẳng định việc thu hút FDI phải được đặt trên cách tiếp cận phát triển bền vững. Điểm nổi bật của chương này là nhóm tác giả đã kiểm định mối quan hệ giữa FDI và mức độ ô nhiễm không khí bằng phương pháp ước lượng FGLS và SGMM đối với 19 quốc gia đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, từ đó có những hàm ý chính sách quan trọng cho Việt Nam và các địa phương vùng Trung Bộ trong hoạch định chính sách thu hút FDI bền vững. Trên cơ sở phân tích những cơ hội và thách thức của vùng Nam Trung Bộ trong thu hút FDI, nhóm tác giả đề xuất hệ thống các quan điểm, định hướng trong thu hút FDI tại vùng Nam Trung Bộ. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất hệ thống bảy nhóm giải pháp thu hút FDI tại vùng Nam Trung Bộ thời gian tới: Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách thu hút FDI; Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh; Thứ ba, đào tạo và phát riển nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp FDI; Thứ tư, phát triển cơ sở hạ tầng góp phần thúc đẩy thu hút FDI vào Nam Trung Bộ; Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư vào FDI vào vùng Nam Trung Bộ; Thứ sáu, tăng cường liên kết không gian thu hút đầu tư nội vùng và liên vùng; Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước và nâng cao đóng góp của khu vực FDI trong phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Cuốn sách được nhóm tác giả thực hiện công phu, nghiêm túc dựa trên việc sử dụng các mô hình kinh tế lượng để giải quyết vấn đề cùng với những căn cứ và lập luận hết sức thuyết phục, hy vọng sẽ mang đến cho độc giả những tri thức có giá trị trong việc tìm hiểu vấn đề thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nói chung và vùng Nam Trung Bộ nói riêng, đặc biệt là những định hướng và giải pháp thu hút FDI vào vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới.
Xin trân trọng giới thiệu!
Viện KHXH Vùng Trung Bộ
Viện KHXH Vùng Trung Bộ