GIỚI THIỆU SÁCH NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TRUNG BỘ GIAI ĐOẠN 2011-2020

10/09/2013

Cuốn sách “Những vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững vùng Trung Bộ giai đoạn 2011-2020” (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, năm 2012) của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khánh chủ biên

Sách có độ dày 443 trang, khổ 14,5cm x 20,5cm.  Ngoài Lời Giới thiệu, Tài liệu tham khảo, Mục lục và Kết luận, nội dung cuốn sách bao gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề cơ bản về môi trường và phát triển bền vững dưới góc nhìn xã hội – nhân văn .

Chương 2:  Thực trạng phát triển và mức độ tác động đến môi trường của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1995-2005 trên địa bàn vùng Trung Bộ.

Chương 3: Những vấn đề đặt ra và các giải pháp hướng tới phát triển bền vững môi trường vùng Trung Bộ.

Ở chương 1,  các tác giả đã đề cập đến những vấn đề cơ bản về môi trường trong PTBV cấp vùng; yêu cầu cơ bản về phát triển bền vững cấp vùng. Trong đó, các vấn đề môi trường cơ bản cấp vùng trong khung lý thuyết nhằm phát triển bền vững dưới góc độ xã hội, nhân văn là:

- Mỗi vùng lãnh thổ có một đặc thù riêng về các điều kiện môi trường, đó là sự đa dạng về sinh thái tự nhiên bao gồm những thuận lợi, những cơ hội về nguồn lực và khó khăn, hạn chế, thách thức của tự nhiên cũng như sự đa dạng về sinh thái nhân văn như nguồn nhân lực, đa dạng văn hóa tộc người, đa dạng phương thức sản xuất,v.v..; Đa dạng sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh thái nhân văn tạo nên không gian sống, không gian sinh tồn và phát triển riêng của mỗi vùng trong một hệ thống chung của lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi vùng có đặc thù riêng, và tuân thủ những yêu cầu, định hướng phát triển của hệ thống chung của cả nước và là kết quả gắn kết sự phát triển của mỗi địa phương một cách hài hòa, linh hoạt và hiệu quả.

- Mỗi vùng có các đặc điểm riêng về cơ hội và thách thức cho phát triển, những thách thức, hạn chế của các điều kiện môi trường sinh thái (với các chức năng nơi sinh sống, nơi cung cấp tài nguyên và nơi chứa đựng phế thải) thì vẫn có thể phát huy được mặt thuận lợi, cơ hội; đồng thời cũng phải có những giải pháp hữu hiệu, khả thi để biến các hạn chế, thách thức của vùng thành tài nguyên và tái sử dụng chất thải thành nguồn lực, thành tài nguyên cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, vùng Trung Bộ có những đặc thù phát triển riêng trong vùng theo lãnh thổ (dải núi – trung du, dải đồng bằng, dải ven biển, biển – đảo) trên cơ sở đồng bộ về tăng trưởng kinh tế ổn định, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường của toàn vùng Trung Bộ, đưa giá trị tổng sản phẩm xã hội đạt mức cao, tăng trưởng liên tục, tạo nên bước chuyển quan trọng trong cơ cấu kinh tế vùng, v.v...

Ở chương 2, các tác giả đã cho thấy, với vị thế đặc biệt, phát triển KT – XH của miền Trung trong giai đoạn vừa qua và những thành tích đáng kể, tuy vậy, từ các hoạt động phát triển đó cũng đã nảy sinh những vấn đề về môi trường, ảnh hưởng đến sự bền vững của phát triển, đó là:

- Vùng Trung Bộ là không gian sống của gần 19 triệu dân, nhưng lại là nơi chịu tác động mạnh về biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các tỉnh miền Trung nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang tác động đến hoạt động sản xuất và đến sức khỏe con người. Hậu quả của việc sử dụng vũ khí hóa học và bom đạn trong chiến tranh cho đến nay vẫn tác động đến môi trường.

- Tuy những tác động của hoạt động phát triển có những dấu ấn rõ nét ở các vùng đô thị, các khu công nghiệp, song sự phát triển ở khu vực nông thôn miền Trung còn rất hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng xã hội, vì thế điều kiện vệ sinh môi trường chưa được cải thiện nhiều. Tình trạng khan hiếm nước ở một số địa phương vào mùa khô và quá trình xâm nhập mặn ở vùng ven biển là rất lớn. Trong nhiều năm trước đây, khai thác nguồn tài nguyên không có quy hoạch, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, canh tác đất dốc không hợp lý tại các vùng miền núi phía Tây đã dẫn tới tình trạng hoang hóa, xói mòn, rửa trôi đất đai, làm giảm sút quỹ đất canh tác nông nghiệp, giảm chất lượng, độ phì nhiêu của đất, giảm năng suất sinh học mà đến nay vẫn chưa phục hồi được. Bên cạnh đó, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã thể hiện mặt trái của phát triển đang tác động đến môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tình trạng lỏng lẻo trong quản lý các chất thải công nghiệp, đô thị và tập quán sinh hoạt cũng như sử dụng các chế phẩm hóa học trong sản xuất nông nghiệp đã gây ô nhiễm môi trường nông thôn ở nhiều nơi là nguyên nhân gây nên tình trạng thoái hóa đất, thúc đẩy quá trình hoang mạc hóa ở miền Trung, nhất là Nam Trung Bộ. Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, khu công nghiệp, sự gia tăng hoạt động xây dựng, giao thông, đã làm cho môi trường ở hầu hết các đô thị và các khu kinh tế, khu công nghiệp miền Trung bị ô nhiễm vì bụi, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nước; Hoạt động du lịch, nuôi  trồng thủy sản, sinh hoạt của các đô thị ven biển cũng như các hoạt động đánh bắt cá ven bờ, khai thác thiếu kiểm soát nguồn tài nguyên biển bằng các phương pháp như chất nổ, điện, lưới quét... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường biển...

Ở chương 3, tác giả đề cập đến những thành tựu đạt được trong nỗ lực biến miền Trung thành vùng kinh tế năng động, phát triển kinh tế biển và kinh tế hướng biển trong giai đoạn tới, xứng đáng với vị trí và tiềm năng của vùng. Tuy vậy, quá trình phát triển đã có tác động to lớn đến môi trường, kể cả các thành phần môi trường và các môi trường bộ phận (không khí, nước, đất, sinh học, xã hội, nhân văn), các khu vực lãnh thổ (miền núi, đồng bằng, miền ven biển, miền biển – đảo) làm cho chất lượng tăng trưởng thấp, hiệu quả kém. Nếu sử dụng bài toán chi phí môi trường và chi phí tài nguyên (chi phí – lợi ích) để xem xét GDP xanh thì các giá trị sản phẩm xã hội của miền Trung sẽ có chi phí rất cao, nhất là chi phí tài nguyên và chất lượng tăng trưởng sẽ là rất thấp. Đây là bài học kinh nghiệm phát triển trong thời gian qua, thể hiện rõ nét những cảnh báo xấu (nghịch lý) trong tăng trưởng:

- Trong hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu đầu tư nghiên cứu theo chiều sâu để chỉ đạo nền sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với từng vùng, từng khu vực sinh thái cả trong trồng trọt và trong chăn nuôi; thiếu sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp hàng hóa mang đặc trưng sinh thái với thị trường, sự đói nghèo còn diễn biến phức tạp ở khu vực nông thôn miền núi, tại các vùng thung lũng ngập úng thường niên và ở các bãi ngang, các vùng hải đảo. Các nguồn lực tài nguyên khá đa dạng của vùng Trung Bộ đã và đang được khai thác phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng việc khai thác và sử dụng còn lãng phí, chưa hiệu quả. Chưa biến những hạn chế, những thách thức của thiên nhiên thành nguồn lực cho phát triển, trong đó có những nguồn năng lượng cao như năng lượng gió – bão, năng lượng mặt trời, ....

- Sự thiếu gắn kết trong quá trình phát triển giữa các ngành, các lĩnh vực để làm gia tăng giá trị tài nguyên, nhất là giá trị sử dụng các loại tài nguyên không tái tạo/tái tạo chậm; thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các địa phương, chỉ chú trọng bài toán đầu tư mà không chú trọng hiệu quả; đầu tư khoa học – công nghệ thấp, chưa thúc đẩy được đầu tư chất xám đối với nền kinh tế, nên chi phí tài nguyên cao; chi phí môi trường không được xem xét, làm cho vòng đời sản phẩm ngắn, hiệu quả thấp. Đây chính là bài học kinh nghiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cấp vùng, không có “cây gậy chỉ huy” đồng bộ mà chỉ có các ‘củ cà rốt” ban phát cho các địa phương và địa phương nào cũng đòi cho được phần cà rốt của mình mà không tính đến hiệu quả kinh tế của sự phối hợp khai thác tài nguyên, liên kết để khai thác hiệu quả, tránh dàn trải nguồn vốn đầu tư và giảm sức ép đối với tài nguyên và môi trường của toàn vùng.

- Thiếu một “nhạc trưởng” điều hành về cơ chế thích ứng với biến đổi khí hậu cấp vùng và những giải pháp khả thi cho việc triển khai các hành động thích ứng với thiên tai, với biến đổi khí hậu, với hoang mạc hóa,... đồng bộ từ trên xuống và phản hồi từ dưới lên. Do đó, những nỗ lực của các cộng đồng quốc tế, của nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương thiếu sự liên kết, thiếu linh hoạt trong thích ứng, trông chờ nhiều từ đầu tư và nguồn lực theo chiều trên xuống mà thiếu chủ động từ dưới lên. Thiếu một định hướng phát triển bền vững của vùng, để từ đó có được các kế hoạch hành động, các chương trình ưu tiên, lộ trình triển khai các kế hoạch, chương trình đó cho mục tiêu phát triển bền vững cấp vùng.

Từ những vấn đề đặt ra nêu trên, cuốn sách đi đến xác định môi trường và tài nguyên là hai mặt của một vấn đề, do vậy, quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường là rất cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Các giải pháp thực hiện ở vùng Trung Bộ mà cuốn sách đề cập, đó phải là: Giải pháp ứng phó với thiên tai, sự cố môi trường trong quá trình phát triển KT-XH; Giải pháp về những vấn đề môi trường cơ bản trong quá trình đô thị hóa; Giải pháp về những vấn đề môi trường cơ bản trong phát triển nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo an ninh môi trường; Giải pháp bảo tồn mối quan hệ hài hòa giữa các giá trị văn hóa tộc người và các giá trị thiên nhiên cho mục tiêu phát triển KT-XH bền vững; Giải pháp về xây dựng mô hình quản lý tổng hợp đới bờ để PTBV dải đất ven biển và vùng biển đảo; Giải pháp bảo vệ môi trường theo các lãnh thổ ưu tiên phát triển.

Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc!

Trần Thị Chúc